(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh, phù hợp điều kiện của từng địa phương. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: Những năm qua, huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt chú trọng xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp các ngành chuyên môn tích cực chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát huy thế mạnh, thúc đẩy hợp tác, liên kết, tổ chức lại sản xuất. Đồng thời, từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, từng địa phương, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để giảm chi phí và công chăm sóc, ông Huỳnh Quang Minh (ngụ ấp Phú Hòa 1, xã Bình Hòa) canh tác giống lúa Hưng Long 555 trong vụ hè thu 2024, áp dụng kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa, với lượng giống 12kg/1.000m2, cho năng suất đạt trên 9 tấn/ha. Với giá bán giá 7.500 đồng/kg (lúa tươi). Sau khi trừ chi phí, ông lãi gần 3 triệu đồng/công. Ông Huỳnh Quang Minh chia sẻ: “Qua canh tác 2 mùa vụ, nếu mình chăm sóc tốt, phân bón đầy đủ và đảm bảo nguồn nước thích hợp, thì cây lúa phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao hơn các giống lúa mà tôi canh tác trước đó”.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Trần Văn Kết (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú) thành công với mô hình trồng sầu riêng. Để giảm chi phí và nhân công, ông đầu tư thêm hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn sầu riêng của mình. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích trống giữa các cây sầu riêng để trồng thêm chanh, dừa… kiếm thêm thu nhập. “Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, tôi sẽ đầu tư thêm một số tiểu cảnh và mở dịch vụ du lịch sinh thái để du khách gần xa đến trải nghiệm, thưởng thức sầu riêng” - ông Kiết chia sẻ.
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Châu Thành còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi lươn sinh sản của anh Phan Ngọc Thuận (ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh), anh Lê Thanh Tuấn (ngụ ấp An Hòa, xã An Hòa); mô hình nuôi lươn thương phẩm và nuôi lươn giống của ông Nguyễn Văn Đường (ngụ ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình); mô hình nuôi dê ứng dụng chế phẩm sinh học của anh Hà Minh Ngoan (ngụ ấp An Phú, xã An Hòa); mô hình nuôi ếch Thái Lan của ông Đoàn Văn Bực (xã Vĩnh Nhuận)… “Mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Người nuôi có thể tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để nuôi, bên cạnh đó vốn đầu tư cho mô hình không cao lắm. Với mỗi bồn nuôi lươn thương phẩm có diện tích khoảng 40m2, sau khoảng 8-10 tháng nuôi, bán với giá từ 200.000-250.000 đồng/kg, có thể mang lại lợi nhuận trên 30 triệu đồng/bồn” - anh Phan Ngọc Thuận (ngụ ấp Hòa Thạnh, xã Hòa Bình Thạnh) chia sẻ.
Không chỉ tận dụng ủ rơm trồng nấm, ông Trần Văn Thanh Tuyền (ấp Tân Thành, xã Vĩnh Thành) sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa (hoặc rơm sau khi trồng nấm) ủ thành phân hữu cơ sinh học, bón cho cây trồng. Cách làm này góp phần giảm giá thành sản xuất, hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Với 2 trại trồng nấm rơm dạng trụ (40m2/trại), ông Tuyền thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm. "Nhờ sự hỗ trợ của khoa học - kỹ thuật, việc trồng nấm rơm khá đơn giản, quy trình xử lý rơm, xử lý vi khuẩn nhà trồng nấm được rút ngắn đáng kể, hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so trồng nấm rơm ngoài trời. Thị trường nấm rơm tiêu thụ rộng, giá cả ổn định nên rất yên tâm” - ông Tuyền chia sẻ.
Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển hiện đại, gắn với khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.
Trung Hiếu