(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Thốt nốt là loài cây đặc trưng của vùng đồi núi An Giang. Từ nó, người địa phương đã chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Tuy nhiên không chỉ vậy, thốt nốt còn được sáng tạo thành những món quà ý nghĩa đáp ứng nhu cầu khách du lịch khi đến với xứ Bảy Núi.
Tranh lá thốt nốt
Nói đến quà lưu niệm từ thốt nốt ở An Giang, nổi tiếng nhất có lẽ là tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Xuất phát từ công việc ngân hàng, tuy nhiên ông có đam mê và năng khiếu với hội họa, đồng thời trăn trở về tiềm năng của loài cây đặc biệt ở An Giang. Ông đã dành thời gian để tìm tòi, thử nghiệm và cho ra đời những bức tranh từ lá thốt nốt.
Để chế tác tranh lá thốt nốt, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, không kém phần vất vả. Trước tiên, lá thốt nốt được lựa chọn theo kích cỡ phù hợp, phơi nắng cho khô lại, rồi ghép các mảnh lá làm nền tranh. Sau đó, nghệ nhân dùng bút lửa (bút điện) vẽ lên nền tranh ấy. Các họa tiết được hình thành từ những đường bút nhấn nhá tỉ mỉ. Sau khi hoàn tất, bức tranh có bốn màu cơ bản là trắng, vàng, nâu, đen. Cuối cùng, bức tranh được đánh bóng bằng lớp dầu bảo vệ lá, rồi đóng khung.
Đến nay, ông Võ Văn Tạng đã sáng tạo hàng ngàn bức tranh với chủ đề, mẫu mã, kích cỡ… khác nhau. Trong đó, phần lớn những bức tranh có đề tài là phong cảnh, hoa lá, chân dung… Các tác phẩm đều được người thưởng thức trong và ngoài tỉnh yêu thích. Ngoài ra, độ bền cao, thời gian bảo quản lâu cũng là yếu tố quan trọng giúp tranh lá thốt nốt được nhiều người ưa chuộng sử dụng.
Quà trang trí từ gỗ thốt nốt
Với mong muốn nâng cao giá trị đặc sản vùng Bảy Núi, giúp người dân tăng thu nhập, chàng trai 9X Nguyễn Vũ Linh đã tận dụng gỗ và lá thốt nốt để tạo nên những tác phẩm mỹ nghệ đẹp mắt.
Cơ sở của anh Vũ Linh ở phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên. Sản phẩm chủ yếu quà lưu niệm làm thủ công từ thốt nốt như đồng hồ treo tường, đèn ngủ, đèn bàn, lịch để bàn, bảng tên, hộp bút, sổ tay, cúp lưu niệm, kỷ niệm chương, logo, móc khóa… thay thế cho những chất liệu kém thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, anh còn chế tác tranh khắc laser trên gỗ thốt nốt. Hiện nay thị trường tranh đa dạng, Vũ Linh đã tìm tòi, thử nghiệm, nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, từ đó ý tưởng làm tranh khắc laser trên gỗ thốt nốt ra đời. Với dòng tranh này, anh đã thể hiện nhiều đề tài như chân dung Bác Tôn, đền thờ Bác Tôn, trống đồng Đông Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Mỹ Thuận… Nếu trước đây, giá trị sử dụng của gỗ thốt nốt chưa cao, thì giờ đây nó đã trở thành sản phẩm trang trí tao nhã.
Ngoài thốt nốt, anh Vũ Linh còn thử nghiệm làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các loại cây khác như gỗ lồng mức, tre… Qua đó, anh hy vọng có thể tạo nên thương hiệu từ đặc sản quê nhà.
Bình gỗ thốt nốt
Thông thường, cây thốt nốt có tuổi đời khoảng 70 năm thì khó có thể khai thác giá trị nữa, lượng nước và năng suất trái không cao, người dân thường đốn bỏ. Từ đó, cơ sở mỹ nghệ Tường Vy của anh Đoàn Rô Mel ở phường An Phú, thị xã Tịnh Biên đã nảy ra ý tưởng chế tác nhiều sản phẩm từ gỗ thốt nốt.
Vốn là gia đình sản xuất đường thốt nốt, từ khoảng 10 năm trước, anh Đoàn Rô Mel bắt đầu thử nghiệm sản xuất các mặt hàng thủ công như đũa, gạt tàn thuốc, bình trà, bình hoa, tranh treo tường… Nhìn chung, các sản phẩm có thời gian sử dụng lâu, không bị mối mọt làm hư hại, có mùi thơm nhẹ của gỗ thốt nốt và màu đen huyền đặc trưng.
Đặc biệt, cặp lục bình với chất liệu gỗ thốt nốt là sản phẩm lạ mắt và khác biệt trên thị trường. Cặp lục bình này khi trưng bày trong không gian nhà ở, phòng làm việc, phòng tiếp khách đều rất trang trọng. Sản phẩm đã vừa góp phần đa dạng hóa dòng sản phẩm cặp lục bình gỗ, vừa làm phong phú thêm các sản phẩm từ cây thốt nốt An Giang.
Ban đầu, các sản phẩm nói trên được sản xuất thủ công, số lượng ít, chất lượng không đồng đều. Về sau với số lượng đặt hàng càng lúc càng cao, cơ sở Tường Vy đã đầu tư nhiều thiết bị như máy tiện, máy khắc, máy đánh bóng… Nhờ vậy, thời gian sản xuất rút ngắn, số lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn, thành phẩm tinh xảo nên được khách hàng ưa chuộng
Cây thốt nốt gắn với người dân vùng Bảy Núi ở thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang bao đời nay. Tuy nhiên trước đây, người dân chủ yếu sử dụng trái để sản xuất đường, còn thân và lá chưa được khai thác để tạo nên giá trị. Giờ đây, nhiều sản phẩm như tranh trang trí, quà lưu niệm, đồ gia dụng… đã mang đến “sức sống mới” cho loài cây dân dã, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Yên Lương