An Giang khơi dậy tiềm năng sản phẩm nông nghiệp của địa phương

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Những năm qua, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn trong sản xuất hướng đến các chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.

Nhằm hướng tới đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh chọn 8 nhóm ngành hàng chủ lực để thực hiện việc tổ chức phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao bao gồm: lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu.

Cánh đồng lúa sạch hướng đến đạt chứng nhận OCOP

Về lúa gạo, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khuyến khích, hướng dẫn các địa phương lựa chọn, đưa những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và thực tế đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Gạo tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông, huyện Thoại Sơn

Điển hình sản phẩm lúa tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông, huyện Thoại Sơn. Đây là giống lúa khá mới cho ra loại gạo màu tím. Trong quá trình sản xuất các thành viên của hợp tác xã gần như sử dụng hoàn toàn bằng phân thuốc hữu cơ. Mỗi năm đơn vị đưa ra thị trường khoảng 50 tấn lúa. Ông Nguyễn Phú Cường - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cho biết: “Chính vì tâm huyết với nền nông nghiệp hữu cơ nên ông mong muốn đưa sản phẩm của HTX ra thị trường, mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng. Để đạt được những mong muốn này, trước nhất sản phẩm của HTX phải được chứng nhận là sản phẩm Ocop, Ông mong muốn được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chuyên môn nhằm quảng bá thương hiệu lúa tím của HTX đến với thị trường cả nước”.

Cùng với lúa là nếp, ở Phú Tân phải nói đến là hợp tác xã Phú Thạnh cũng đang tiến tới xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP cho nếp. Ông Trần Văn Lô Ba - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh, huyện Phú Tân cho biết: “ HTX đã đi tiên phong sản xuất nếp theo tiêu chuẩn SRP để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng đến với người tiêu dùng. HTX cũng mong muốn sản phẩm nếp của HTX được cấp chứng nhận Ocop để đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu của thị trường”.

  Nếp của Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thạnh, huyện Phú Tân

 Ngoài lúa gạo, tỉnh An Giang còn có những vùng sản xuất cây ăn trái lớn ở các địa phương như Chợ Mới, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú…. Hiện tại, có nhiều đơn vị đã xây dựng thương hiệu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét sản phẩm OCOP. Tiêu biểu sản phẩm xoài keo của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình, huyện An Phú. Với diện tích 670 ha, có 130 thành viên tham gia, năng suất mỗi năm đạt từ 60 đến 80 tấn. Đầu ra của xoài được Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy các thành viên trong hợp tác xã an tâm sản xuất, thu lợi nhuận khá cao từ mô hình này. Ông Huỳnh Thanh Minh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Bình, huyện An Phú cho biết: “So với các loại hoa màu, cây ăn trái khác hay lúa thì 1 công xoài keo cho lợi nhuận tương đương với 10 công lúa. Hướng đến đạt sản phẩm OCOP là mục tiêu của Hợp tác xã, HTX còn muốn vươn xa hơn đạt tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm xoài keo của địa phương có thể mở rộng thị trường tiêu thụ hơn”. 
  
Thời gian gần đây, mô hình trồng dưa lưới, dưa lê, cà chua bi trong nhà màng đã và đang cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ông Nguyễn Thái Nhà ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú chia sẻ: “Dưa lưới trồng trong nhà màng ít sâu bệnh, năng suất đạt hơn trồng bên ngoài, bình quân 1000 m2 sau khi trừ chi phí có thể thu lãi khoảng 50 triệu đồng”. Hiện gia đình ông có 3 nhà màng, qui mô 2.750 m2, mỗi vụ ông trồng hơn 6.000 dây dưa lưới, dưa lê. Bình quân mỗi năm ông trồng từ 4 đến 5 vụ dưa”.

Mô hình trồng dưa lưới của Ông Nguyễn Thái Nhà ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú   

Cùng với các mặt hàng lúa gạo, cây ăn trái, tỉnh An Giang còn phát triển mạnh mẽ nghề nuôi trồng thủy sản. Với đa dạng mặt hàng khô, như: cá lóc, cá sặc bổi, cá trèn, cá chạch, cá lìm kìm, cá kết, cá chốt..., người dân đã tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để làm khô. Để sản phẩm khô đạt chất lượng, các cơ sở làm khô đã đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ quá trình làm khô. Hiện tại, các cơ sở sản xuất khô chủ yếu tự tìm kiếm thị trường, quảng bá trên các trang mạng xã hội để tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh Trần Văn Đức, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu chia sẻ: “Anh đã hoàn thành nộp hồ sơ đến UBND thị xã xem xét, sớm công nhận hai mặt hàng của gia đình anh là khô cá lóc và khô sặc rằn đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Gia đình anh cũng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và mong muốn sản lượng tiêu thụ tăng lên nhằm phát triển kinh tế gia đình, đồng thời cũng giải quyết được việc làm cho bà con ở địa phương”.

Khô cá lóc, cá sặc rằn của anh Trần Văn Đức, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu

Còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng ở các địa phương đang được ngành nông nghiệp An Giang có những chính sách hỗ trợ để giúp các sản phẩm này đạt OCOP trong thời gian tới. Ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết: “Tiềm năng của các địa phương là rất lớn, gần 120 sản phẩm mà các chủ thể có những động thái rất tích cực. Trên cơ sở sự hướng dẫn nhiệt tình của các thành viên, trong đó có UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quyết định chương trình OCOP của tỉnh An Giang, cùng với sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn, sự ủng hộ, quyết tâm của các tổ chức cá nhân thì thời gian gần các sản phẩm sẽ đạt chứng nhận OCOP”.

Để ngày càng có nhiều sản phẩm tiềm năng được chứng nhận OCOP, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới, tích cực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến, công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, chất lượng, mẫu mã, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản làm ra…, góp phần cho sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận OCOP, để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm và giúp các địa phương thực hiện hoàn thành chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà bền vững./.

Thanh Thanh