Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Một số điều cần lưu ý cho vận tải thủy khi lưu thông trong mùa bão lũ năm 2024

10/06/2024 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, tình hình khí hậu, thời tiết, thiên tai, mưa lũ, bão tiếp tục có xu hướng ngày càng bất thường, cảnh báo lũ lớn xuất hiện trên các lưu vực sông lớn.

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, mưa lũ, bão gây ra trong lĩnh vực đường thủy nội địa, đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức, chỉ huy ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Ngày 07-6, Sở Giao thông vận tải An Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có thông báo đến các đơn vị và cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa trong khu vực, ngoài việc tuân thủ đúng theo các quy định của Luật Giao thông Đường thủy nội địa.

Đồng thời cần lưu ý các vấn đề: Khi có thông báo mực nước báo động 1 tại Tân Châu +3,50 m và mực nước tại Châu Đốc +3,0 m trên các tuyến sông Tiền và sông Hậu cần chú ý các khu vực nước xoáy, khu vực sạt lở, ngã ba, ngã tư... các phương tiện tham gia giao thông cần chú ý để có biện pháp phòng tránh.

Các cửa kinh ngang nối kinh Rạch Giá Hà Tiên và kinh Ông Hiển Tà Niên đổ ra biển, các cửa thoát lũ từ sông Hậu vào khu vực Tứ Giác Long Xuyên và cửa sông Tiền thoát lũ qua khu vực Đồng Tháp Mười: các phương tiện khi lưu thông qua cần chú ý cẩn thận và phải có biện pháp khống chế lực hút, dòng chảy xoáy ở các cửa nêu trên, nhất là khi nước ròng.

Các phương tiện khi lưu thông qua khu vực các cầu, cổng ngoài việc thực hiện đúng quy tắc giao thông chung cần phải thực hiện đúng điều 43 của Luật giao thông đường thủy nội địa. Tại các vị trí tổ chức điều tiết khống chế đảm bảo giao thông đường thủy nội địa, các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực nêu trên phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết, hướng dẫn đảm bảo giao thông thủy tại hiện trường.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão còn diễn biến phức tạp đến cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động, các tổ chức, cá nhân tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, “Cảng, bến sông an toàn"... Có chính sách khuyến khích, tuyên dương, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích và phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm, tiêu cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Tuyệt đối không điều động tàu rời cảng, bến khi có yếu tố thời tiết không cho phép và tuân theo sự điều động của Cảng vụ Đường thuỷ nội địa (Ban quản lý cảng, bến thuỷ nội địa) tại cảng, bến thủy nội địa. Bố trí thuyền viên, người lái có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Không được chở vượt quá tải, quá vạch dấu mớn nước an toàn và chở vượt quá số lượng hành khách theo quy định; khi thời tiết phức tạp có thể nên giảm bớt tải để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của mình và mọi người.

Phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, bảo đảm đáp ứng đủ số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện bao gồm hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện. 

Sắp xếp lại các đăng đáy cá, vó cá, bè cá... hay các thiết bị đánh bắt thủy sản khác đảm bảo không làm ảnh hưởng đến luồng chạy tàu và hành lang bảo vệ; đồng thời phải có báo hiệu ban ngày và ban đêm để các phương tiện phòng tránh.

Đối với các bến khách, bến đò: thường xuyên kiểm tra luồng ra vào bến, cầu dẫn lên xuống bến an toàn, kiểm tra hệ thống báo hiệu, hệ thống neo buộc phương tiện. Ngay khi bão suy yếu (gió dưới cấp 5) tiến hành ngay công tác kiểm tra tình trạng kỹ thuật kết cấu công trình bị hư hỏng do thiên tai gây ra và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Thực hiện việc mua sắm vật tư dự phòng cần thiết cho công tác ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão. Kiểm tra, lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt trong mùa mưa bão; xây dựng công tác trực ban và báo cáo thiệt hại lũ bão.

Vì tính chất rất phức tạp và nguy hiểm khi lưu thông trong mùa bão lũ, vùng ngập lụt, Sở Giao thông vận tải đề nghị các địa phương hết sức lưu tâm, tăng cường kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền để nhân dân tự giác thực hiện đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra xử lý ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đối với các đơn vị, cá nhân Vận tải đường thủy nội địa trong tỉnh nghiêm túc thực hiện tinh thần văn bản này./.

Nguồn: Công văn số 1188 /SGTVT-TTrS ngày 07/6/2024

Hải Nhu

 


Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

a27a36d1-bd22-404f-bd64-a2bfa888fd94

Một số điều cần lưu ý cho vận tải thủy khi lưu thông trong mùa bão lũ năm 2024

/wps/wcm/connect/b0927e43-d467-4d96-8905-dc974112798c/image025.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACE-b0927e43-d467-4d96-8905-dc974112798c-p0188Xe