(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nhằm phát huy thế mạnh địa phương, huyện Châu Phú luôn chú trọng phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất và liên kết tiêu thụ theo các chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Cán bộ nông nghiệp huyện cùng bà con nông dân thăm đồng
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, năm 2023 với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, ngành cấp trên, sự nỗ lực của các ngành các cấp và tích cực tham gia sản xuất của nhân dân, sản xuất nông nghiệp đã vượt qua những khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp đạt hiệu quả tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất theo các chuỗi giá trị sản phẩm lương thực, nông sản chủ lực của huyện (lúa, cá tra, cây ăn quả, rau màu,…), giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tiếp tục tăng.
Ước giá trị sản xuất đất nông nghiệp năm 2023 là 215,6 triệu đồng/ha, đạt 104,6% kế hoạch, tăng 14,5 triệu đồng/ha so với năm 2022. Diện tích gieo trồng năm 2023 đạt 89.700/87.722 ha, đạt 102,25% kế hoạch, ước sản lượng lương thực năm đạt 569.426 tấn tăng 23.394 tấn so với cùng kỳ. Tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tính đến nay là 2.116,9 ha so với năm 2022 tăng 231 ha. Tổng đàn gia súc 8.643 con, tổng đàn gia cầm 371.281 con, ước sản lượng thịt năm 2023 là 5.465 tấn đạt 100,2% so với kế hoạch, sản lượng trứng năm 2023 là 75 triệu quả đạt 100% so với kế hoạch. Tổng diện tích ao hầm nuôi cá là 1.122ha, ước sản lượng cá nuôi năm 2023 đạt khoảng 148.172 tấn, so với cùng kỳ tăng 10.672 tấn.
Nông dân thu hoạch nhãn vào mùa vụ
Song song đó, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú còn quy hoạch các vùng sản xuất tập trung. Đến cuối năm 2023 phát triển được 639 ha/634 ha đạt 100,8% so với kế hoạch. Cụ thể, vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh đến nay diện tích 55 ha, đạt 122,2% so với kế hoạch; Vùng trồng nhãn xuồng Khánh Hòa đến nay diện tích 155 ha, đạt 100% so với kế hoạch; Vùng sản xuất rau màu tập trung 60 ha tại vùng Lòng hồ Khánh Phát và 10 ha tại vùng lung Khánh Mỹ, xã Khánh hòa duy trì diện tích sản xuất 70 ha, đạt 100% so với kế hoạch. Vùng sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn Global G.A.P, xã Mỹ Phú đến nay phát triển được 75 ha đạt 100% so với kế hoạch. Tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích 2 vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú tại xã Bình Phú và Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi tại xã Mỹ Phú…
Trình diễn mô hình mới
Công tác khuyến nông cũng được ngành nông nghiệp huyện chú trọng, qua đó trong năm 2023 đã trình diễn 15 mô hình, như: mô hình trồng nấm rơm dạng trụ ứng dụng thiết bị máy tạo ẩm siêu âm xã Bình Mỹ; ứng dụng thiết bị gieo sạ cụm 3 trong 1 tại xã Ô Long Vĩ; bón phân vùi trên lúa trước gieo sạ tại xã Bình Phú; ứng dụng chế phẩm sinh học và thảo dược trong nuôi dê thịt; nuôi ốc bươu đồng thương phẩm trong ao đất xã Bình Long; sản xuất giống ốc bươu đồng tại xã Bình Phú; sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP xã Đào Hữu Cảnh; bón phân trên nhãn của công ty Việt Nhật tại xã Khánh Hoà; máy sạ lúa theo cụm 3 trong 1 kết hợp vùi phân Đầu trâu tại xã Ô Long Vĩ; bộ sản phẩm lúa xanh chắc hạt ở các xã các Bình Chánh, Bình phú, Bình Mỹ và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, Thạnh Mỹ Tây; 2 mô hình 1 phải 6 giảm ở 2 xã Thạnh Mỹ Tây và Đào Hữu Cảnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện còn tổ chức tập huấn 25 lớp, trong đó 5 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện năm 2023; 6 lớp mã số vùng trồng; 8 lớp nguồn nhân lực và 2 lớp quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL... Tổ chức nhiều cuộc khuyến nông phòng trừ sinh vật hại tại các xã, thị trấn và khuyến nông chuyên đề cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty Đồng Phát... Ngoài tập trung phát triển sản xuất rau màu tại các vùng trọng điểm, ngành nông nghiệp huyện còn đẩy mạnh việc liên kết, mời gọi các công ty, doanh nghiệp, thương lái, cửa hàng rau an toàn gắn kết, đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay toàn huyện đã có 12 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, ngành nông nghiệp huyện sẽ kết hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội chi nhánh An Giang, Bưu điện huyện Châu Phú... đưa sản phẩm lên sàn giao dịch để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng cho hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn huyện. Ước đến cuối năm 2023 thành lập mới 3 hợp tác xã nông nghiệp, nâng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện lên 29 hợp tác xã nông nghiệp, 41 tổ hợp tác làm đầu mối trong liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, chủ động trong việc tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp sau cho phù hợp với năng lực sản xuất để kết nối làm ăn lâu dài, bền vững với bà con nông dân.
Hy vọng, với những kết quả quan trọng ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã đạt được trong thời gian qua sẽ làm cơ sở tạo bước đột phá phát triển, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, định vị sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện./.
Đăng Phương