(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được xem là cột mốc, đánh dấu bước khởi đầu mới để người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Châu Phú chung tay xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, trong vụ sản xuất lúa Thu Đông 2024, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã chọn xã Thạnh Mỹ Tây thực hiện thí điểm áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp với diện tích 50 ha, có 16 hộ nông dân tham gia. Bước đầu, mô hình thí điểm này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người nông dân.
Theo đó, nông dân tham gia thực hiện Đề án sẽ được hỗ trợ giống lúa; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ lúa… Đồng thời, được tập huấn về kỹ thuật sản xuất, như: giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 80 đến 100kg/ha; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”, SRP, tưới ướt - khô xen kẽ; các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng... Qua đó nhằm hình thành vùng chuyên canh lúa đạt các tiêu chí mà đề án đưa ra.
Nông dân Phạm Văn Lộc (xã Thạnh Mỹ Tây) là một trong những hộ dân tham Đề án cho biết: “Trong quá trình tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, ngoài việc được hỗ trợ đầu vào, đầu ra, tôi còn được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật giúp nắm vững quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để áp dụng vào sản xuất thực tế. Đồng thời được hỗ trợ giống lúa, phân thuốc… Qua đó tôi đã giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha, ngoài ra tôi còn giảm được phân thuốc, giảm nước, giảm ô nhiễm môi trường. Hiện tại lúa của tôi phát triển rất tốt, rễ mọc nhiều khỏe, ít bị ngã đổ”.
Huyện Châu Phú triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 7.388 ha. Trong đó, tập trung thực hiện ở các xã, thị trấn đã tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT và nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030), dựa trên các tiêu chí đăng ký tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, các xã, thị trấn rà soát các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng diện tích lên 22.983 ha đến năm 2030. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu, như: xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị…
Mục tiêu đặt ra giai đoạn 2026 - 2030 là nông dân phải giảm lượng giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Bên cạnh đó,100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như “1 phải, 5 giảm”; SRP; tưới ướt - khô xen kẽ; các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Có 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ lúa. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; có trên 11.494 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Đồng thời, 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng, giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa trên 50%...
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, hiện có rất nhiều nội dung nông dân cần quan tâm khi tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, trong đó bà con cần quan tâm đến một số nội dung sau: Diện tích tham gia phải đảm bảo theo kế hoạch từng thời gian; lượng giống gieo sạ; tưới ướt-khô xen kẽ; không đốt rơm và liên kết sản xuất… Thời gian tới ngành nông nghiệp huyện sẽ tăng cường tuyên truyền để các ngành, các cấp cũng như nông dân hiểu được những lợi ích của đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” mang lại. Bên cạnh đó sẽ thống kê lại các tiểu vùng, hợp tác xã, tổ hợp tác và các nông dân, doanh nghiệp dự kiến tham gia; khảo sát lại cơ sở hạ tầng, kênh mương, trạm bơm, cống… phục vụ sản xuất. Đồng thời tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia để đảm bảo các tiêu chí tiêu thụ lúa gạo được tốt hơn.
Có thể nói, việc Châu Phú tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được xem là bước khởi đầu cho việc sản xuất lúa theo hướng bền vững. Để thực hiện thành công còn rất nhiều việc cần làm, nhưng với sự hưởng ứng, quyết tâm của địa phương, người dân, doanh nghiệp trong những bước khởi đầu triển khai, tin rằng, đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” sẽ đạt hiệu quả, phát huy được các mục đích, ý nghĩa đã đề ra./.
Đăng Phương