Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra kết quả thực hiện Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng tại huyện Chợ Mới

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 28/11, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp cùng các thành viên trong đoàn công tác, đã đến kiểm tra kết quả thực hiện Đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh năm 2024 và Kế hoạch năm 2025 tại huyện Chợ Mới. Tiếp đoàn có Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Lê Trần Minh Hiếu.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo kế hoạch của tỉnh, UBND huyện đã triển khai Đề án đến các ban ngành, đoàn thể và UBND các xã có vùng nguyên liệu tham gia thực hiện. Ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn huyện và chỉ đạo phòng chuyên môn tổng hợp nhu cầu đăng ký mô hình hỗ trợ cho người trồng lúa năm 2025. Theo đó, trong vụ Thu đông năm 2024, huyện Chợ Mới đã thực hiện 100 hécta tại tiểu vùng 4, xã Nhơn Mỹ. Đến ngày 25/11/2024, diện tích trong mô hình này đã thu hoạch, với năng suất 6,16 tấn/ha và được Công ty TNHH Gạo Ngọc Phú thu mua diện tích 50 hécta trong mô hình và 14 hécta ngoài mô hình, với giá 7.100 đồng/kg. 

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn, địa phương và Tổ khuyến nông cộng đồng các xã trong vùng tham gia thực hiện Đề án đã tổ chức 10 lớp tập huấn tuyên truyền quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL tại các xã trên địa bàn huyện, với tổng số 300 nông dân tham dự. 

Năm 2025, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Đề án với diện tích 745 hécta, trên cơ sở diện tích những vùng thực hiện trên nền tảng 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, vùng thực hiện mô hình theo Nghị Định 62 của Chính phủ và nhân rộng ở những vùng thuận lợi, đủ điều kiện thực hiện. Dự kiến vụ Đông xuân năm 2024- 2025 sẽ thực hiện với diện tích 20 hécta tại ở xã Long Kiến.

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Trần Minh Hiếu đề nghị các ngành chuyên môn, UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động các ban, ngành, đoàn thể, ngành chuyên và nông dân về nội dung của Đề án; thực hiện đảm bảo các nội dung trong canh tác bền vững, tổ chức sản xuất và chỉ tiêu trong kế hoạch của Đề án; các xã rà soát, đánh giá lại các tiểu vùng để xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và xây dựng kế hoạch xả lũ năm 2025; xây dựng danh mục các công trình thuỷ lợi, cống, bọng năm 2025 để huyện khảo sát, phục vụ sản xuất; củng cố và nâng chất hợp tác ở các địa phương; thực hiện các mô hình từ nguồn bảo vệ đất trồng lúa theo Nghị định 112 của Chính phủ và tổ chức các lớp tập huấn về các nội dung liên quan đến Đề án; Phát động phong trào thi đua thực hiện Đề án 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là mỗi cán bộ trong ngành nông nghiệp là tuyên truyền viên để lan toả Đề án này đến người dân../

Minh Kỵ