Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nhiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu tại An Giang”

04/02/2021 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Sở Khoa học và Công nghệ An Giang vừa tổ chức Hội đồng Khoa học và Công nghệ tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu (Ompok bimaculatus) tại An Giang” do Trường Đại học An Giang chủ trì, thạc sĩ Lê Văn Lễnh chủ nhiệm.

Hội đồng do tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II làm Chủ tịch và thạc sĩ Tầng Phú An - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Phó Chủ tịch Hội đồng , tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Thủy sản Thanh Loan) và tiến sĩ Phạm Văn Khánh (Nguyên Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ) làm Ủy viên phản biện cùng các thành viên Hội đồng đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Thủy sản An Giang, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh An Giang, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đại biểu đến từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, Trại Cái giống Ba Phong, đại diện các Phòng, đơn vị trược thuộc Sở tham dự Hội đồng. 

 Mục tiêu của đề tài là: Hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá Trèn bầu đạt yêu cầu: Nuôi vỗ thành thục sinh dục cá Trèn bầu trong ao: Tỷ lệ thành thục >70%, hệ số thành thục >5% ở thời điểm chính vụ (từ tháng 5 – tháng 9); Kích thích sinh sản bán nhân tạo: Tỷ lệ cá rụng trứng >70%, sức sinh sản thực tế >200.000 trứng/kg cá cái, tỷ lệ thụ tinh >70%, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống cá bột >70%; Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ương từ 1 đến 30 ngày tuổi: tỷ lệ sống >30%. Giai đoạn 2: Ương từ 31 đến 90 ngày tuổi: tỷ lệ sống >50%, kích cỡ trung bình 1,5g/con.

Xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè đạt: Tỷ lệ sống: >60%; FCR: 2,0 – 2,5 đối với thức ăn công nghiệp; 4,0 – 5,0 đối với thức ăn cá tạp; Kích cỡ thu hoạch: Trung bình 100g/con; Năng suất: 04 – 05kg/m3.

Ghi nhận bệnh trong quá trình ương giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu: dấu hiệu bệnh lý (triệu chứng), tác nhân gây bệnh, phòng và trị bệnh.

Xây dựng 02 mô hình điểm sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu có gắn kết các giải pháp về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đề xuất các định hướng và giải pháp phát triển mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển mô hình với số lượng 03 cán bộ kỹ thuật nắm rõ quy trình nuôi vỗ, sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu. 

Bảo tồn và phát triển nguồn gene cá Trèn bầu trong tỉnh An Giang.

Qua thời gian thực hiện, đề tài đạt được một số kết quả nổi bật như: xây dựng quy trình sản xuất giống cá Trèn bầu và quy trình nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè; 22.000 con cá Trèn bầu giống (1,5 - 2g/con); 207 kg cá Trèn bầu thương phẩm (100g/con). Đồng thời, đề tài đã hỗ trợ đào tạo 05 sinh viên Đại học và 01 nghiên cứu sinh cho tỉnh An Giang; Đào tạo cho 03 cán bộ kỹ thuật trong tỉnh nắm được kỹ thuật nuôi và sinh sản cá Trèn bầu. 

Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu và xem xét hồ sơ đề nghị đánh giá kết quả đề tài trước đó, các thành viên Hội đồng đánh giá cao và thống nhất nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, xếp loại Khá. 

Kết quả sau khi nghiệm thu sẽ chuyển giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành; Trại cá giống Ba Phong; các tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn tỉnh An Giang có nhu cầu tiếp nhận, chuyển giao ứng dụng theo quy định./.

TT


4511a418-8344-4155-a47e-170235c674d6

Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nhiệm thu đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu tại An Giang”

nopic.jpg