Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

An Giang phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030

02/05/2024 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 26-4, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai kế hoạch phát triển ngành dệt may và da giày tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Ảnh: Phan Hữu

Mục tiêu chung là phát triển ngành dệt may và da giày tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu của tỉnh; trong đó tập trung phát triển mạnh các sản phẩm có chất lượng, ưu tiên phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày; đẩy mạnh khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách xuất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút các nhà đầu tư đầu tư ngành dệt may và da giày. Phát triển ngành dệt may và da giày gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội ở khu vực nông thôn.   

Đến năm 2035, ngành dệt may và da giày trên địa bàn tỉnh An Giang phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực trong nước và thế giới.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030: Năng lực sản xuất sản phẩm ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021 -2030 đạt 500 triệu sản phẩm; Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang đạt 4,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may và da giày giai đoạn 2021 - 2025 đạt 860 triệu USD.

Đến năm 2030, phát triển hoàn thiện đưa vào hoạt động 03 cụm công nghiệp và 02 khu công nghiệp để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư dệt may và da giày; Phấn đấu thu nhập của lao động ngành dệt may và da giày đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung lao động trong doanh nghiệp cả nước.  

Tầm nhìn đến năm 2035: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành dệt may và da giày là một trong những ngành chủ lực về sản xuất và xuất khẩu của tỉnh, năng lực sản xuất ngày càng tăng đạt 60 triệu sản phẩm/năm và kim ngạch xuất khẩu đạt 205 triệu USD; Thúc đẩy cải thiện nội địa hóa, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu phát triển và sản xuất các sản phẩm dệt may và da giày.

Tiếp tục phấn đấu thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành dệt may và da giày của tỉnh đạt tương đương thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cùng ngành trong cả nước; Phấn đấu đưa tỉnh An Giang nằm trong chuỗi sản xuất, cung ứng, xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững.

Để đạt mục tiêu, An Giang tạo thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày tiếp cận trực tiếp với khách hàng tiềm năng thông qua các hoạt động tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, tổ chức các lớp tập huấn về phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, kết nối kinh doanh.

Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; xác định một số thị trường tiềm năng để định hướng doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, thanh toán, ... giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; Tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm dệt may, da giày có sức cạnh tranh cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày, các nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ logistic nhằm từng bước thúc đẩy phát triển ngành dệt may và da giày.

Tập trung triển khai công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch (trong đó có nhà máy xử lý nước thải tập trung đảm bảo quy định hiện hành) để bố trí quỹ đất kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày;  Thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các dự án đầu tư sản xuất các mặt hàng nguyên, vật liệu khuyết thiếu trong chuỗi giá trị ngành da (giả da, da nhân tạo...). 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, kỹ thuật, thiết kế và công nhân lành nghề Dệt May, Da Giày để tạo lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển trong hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện đại hóa từng bước trong sản xuất và nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong ngành Dệt May, Da Giày.

An Giang cũng hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giày đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới, công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu tạo công nghệ mới, thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ mới thay thế thiết bị nhập ngoại, ...  Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất và phát triển các loại nguyên, phụ liệu trong nước chưa sản xuất được, các sản phẩm dệt may, da giày chất lượng cao, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn, thân thiện môi trường.

Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về đầu tư, tín dụng, thuế cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày theo Chương trình Phát triển Công nghiệp hỗ trợ tỉnh An Giang 2017-2025; Hằng năm, nghiên cứu bố trí kinh phí khuyến công địa phương phục vụ phát triển hiệu quả ngành dệt may và da giày theo quy định của pháp luật hiện hành; trong đó, tập trung vào hoạt động chuyển giao, ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất./.

Nguồn: Kế hoạch số 424 /KH-UBND ngày 26/4/2024
Hải Nhu


Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

76ea1b33-2bc9-429b-92db-a9004711e4d3

An Giang phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030

/wps/wcm/connect/10e48c5f-3380-4da6-87bf-b5c2a1b1d01d/image003.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACE-10e48c5f-3380-4da6-87bf-b5c2a1b1d01d-oYUDM45