Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Làng nghề dệt chiếu UZU – Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

07/12/2022 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nghề dệt chiếu Uzu hình thành hơn chục năm gần đây, góp phần làm nên diện mạo mới cho nghề dệt chiếu truyền thống ở vùng đất Tân Châu, An Giang. Trong đó, phải kể đến là cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long 2 đang vươn mình phát triển trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Responsive image

Cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long 2 

Giữ lửa làng nghề

Bà Lê Thị Phương Thảo, chủ cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long 2 cho biết, từ cái tâm giữ lửa với nghề, mỗi ngày cơ sở sản xuất trên 200 chiếc chiếu lớn, nhỏ các loại, với nhiều hoa văn khác nhau. Với chất lượng, mẫu mã đẹp, chiếu UZU Tân Châu Long 2 đã khẳng định được thương hiệu trong lòng khách hàng. Trung bình mỗi chiếc chiếu khi bán ra thị trường có giá từ 80 – 120 ngàn đồng, còn những chiếu cao cấp thì có giá khoảng 200 – 300 ngàn đồng. 

Để tạo ra sản phẩm từ cây Uzu phải qua các công đoạn: Lựa chọn uzu, rồi nhuộm màu, phơi nắng, rồi dệt, xông khói, sau đó đem phơi một ngày, vệ sinh sạch sẽ và ép thành phẩm. Từng công đoạn, phải tỉ mỉ, cần mẫn, dưới đôi bàn tay của người thợ chuyên nghiệp, những chiếc chiếu đẹp hoàn hảo được hoàn thiện. Lúc trước, chỉ dệt thủ công, mỗi ngày 2 thợ với 1 khung dệt tay làm giỏi cũng chỉ được 3 chiếc chiếu thành phẩm. Hiện nay, có sự hỗ trợ của máy móc nên người thợ dệt chiếu đỡ nhọc nhằn hơn, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng lên nhiều lần so với trước.

Responsive image

Nhuộm màu, phơi sợi Uzu để tạo ra sản phẩm có màu sắc đẹp

Dệt chiếu có 2 nguyên liệu chính để sản xuất, thứ nhất là uzu nhập từ Campuchia về. Nguyên liệu này có ưu điểm là bóng, đẹp, ít bị mốc và nhuyễn, vì vậy nhiều người vẫn lựa chọn chiếu Uzu để sử dụng. Thứ 2 là cây lác của Việt Nam hay còn gọi là cối, không được đẹp như uzu, nhưng độ bền tương đương. 

Hiện cơ sở có khoảng 20-30 thợ dệt, thu nhập mỗi lao động đạt từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Để làng nghề dệt chiếu UZU ngày càng phát triển, bản thân người thợ đã không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề nhằm tạo ra những sản phẩm khác từ chiếu, phát triển du lịch tại chỗ. 

“Nghề không khó nếu quyết tâm làm sẽ làm được. Lúc đầu chủ cơ sở sẽ hỗ trợ chi phí tiền ăn, chỉ việc tận tình đến khi lành nghề, sau khi lành nghề sẽ phục vụ lại cho cơ sở có thu nhập, công ăn việc làm rất bền, làm hoài không sợ thất nghiệp” - Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Phước Hưng, huyện An Phú) chia sẻ.

Để làng nghề ngày càng phát triển

Theo bà Lê Thị Phương Thảo, chủ cơ sở dệt chiếu Uzu Tân Châu Long 2, để phát huy nghề truyền thống của gia đình, cơ sở đã có nhiều giải pháp, chiến lược cũng như đổi mới máy móc, trang thiết bị trong sản xuất. Bên cạnh những sản phẩm chiếu truyền thống, cơ sở sản xuất chiếu của bà Thảo còn đa dạng hóa chủng loại sản phẩm đồ thủ công làm từ cây Uzu, như: cặp, giỏ, dây nịt, dép, tấm trải bàn, bóp nữ… để bán tại các hội chợ triển lãm và các điểm tham quan du lịch.

Responsive image

Chiếu Uzu được dệt thành phẩm

Responsive image

Sản phẩm đa dạng từ chiếu Uzu

Ngoài ra, cơ sở còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đặc biệt là Hội Nông dân các cấp mở các lớp dạy nghề miễn phí cùng với các chính sách sách ưu đãi nhằm thu hút cho lao động nhàn rỗi vùng nông thôn đến học nghề. Nói về vấn đề này, bà Lê Thị Phương Thảo, chủ Cơ sở dệt chiếu Tân Châu Long 2, thị trấn An Phú, huyện An Phú cho biết: “Cơ sở đào tạo những cái chung, sau khi làm nghề có những thợ giỏi sẽ kèm cho những bạn mới học, cơ sở cũng có chính sách hỗ trợ cho thợ ra công dạy, đồng thời cũng hỗ trợ chi phí đi lại, suất ăn cho học viên mới.”

Thông qua các tổ chức tín dụng, Hội Nông dân và các ngành chức năng huyện An Phú tiếp tục hỗ trợ vốn vay theo cơ chế ưu đãi lãi suất cho hoạt động ngành nghề nông thôn, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các cơ sở phát triển. Để làng nghề dệt chiếu Uzu phát triển trong thời gian tới, Hội Nông dân cùng các ngành còn hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, tổ chức đào tạo để nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng các kênh phân phối hàng hóa để người tiêu dùng tiếp cận nhanh với sản phẩm, đặc biệt là người tiêu dùng khu vực nông thôn.  

Ông Trương Trường Giang, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn An Phú, huyện An Phú cho biết: “Trong thời gian tới Hội sẽ phối hợp với Hội Nông dân huyện để hỗ trợ cho cơ sở dệt chiếu của chị Phương Thảo đạt chuẩn OCOP nhằm quảng bá thương hiệu sang các tỉnh lân cận. Hội Nông dân thị trấn cũng phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp dạy nghề như: may công nghiệp, chăn nuôi và một số ngành nghề khác mà địa phương đang cần để đào tạo cho nông dân có tay nghề, có công ăn việc làm ổn định.”

Nghề dệt chiếu truyền thống từ cây Uzu tại thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn đồng thời cũng là mô hình sản xuất gắn với du lịch. Bên cạnh sản phẩm chiếu là chủ lực, các sản phẩm thủ công truyền thống cũng đã góp phần thu hút khách du lịch đến mua sắm, tham quan và trải nghiệm làng nghề./.

                                                                                                 Thanh Thảo

Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

a5383cdc-5bfe-4e6f-9b2f-4b5c28e8e494

Làng nghề dệt chiếu UZU – Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

2022/12/07/chieuuzu4.jpg