Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

An Giang tăng cường công tác quản lý, kiểm soát đối với tôm hùm nước ngọt

04/07/2024 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh tôm hùm nước ngọt trên địa bàn tỉnh, ngày 04/7, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác quản lý, kiểm soát đối với tôm hùm nước ngọt.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, kiểm soát tôm hùm nước ngọt; phát hiện và xử lý kịp thời các trường vi phạm quy định về nuôi, lưu giữ, vận chuyển tôm hùm nước ngọt theo quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Điều 246, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

Đối với các địa phương có đường biên giới (thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu, thị xã Tịnh Biên, huyện An Phú và Tri Tôn) tăng cường chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tuần tra, kiểm soát nơi đường mòn, lối mở khu vực biên giới, các trục đường chính kết nối với tỉnh bạn, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập lậu, vận chuyển tôm hùm nước ngọt qua tuyến biên giới.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các tác hại của tôm hùm nước ngọt đối với môi trường, sản xuất và đa dạng sinh học; tuyên truyền, vận động Nhân dân không thực hiện các hành vi nuôi giữ, sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ tôm hùm nước ngọt, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển, nhập lậu tôm hùm nước ngọt; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền cho Nhân dân khu vực biên giới về tác hại của tôm hùm nước ngọt để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho vận chuyển, buôn lậu.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chốt kiểm dịch động vật cửa khẩu, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương tổ chức giám sát tại cửa khẩu, đường mòn lối mở nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc nhập lậu tôm hùm nước ngọt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình; đồng thời, phối hợp ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân đối với việc buôn bán, vận chuyển tôm hùm nước ngọt theo quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc nuôi, lưu giữ, vận chuyển tôm hùm nước ngọt trên địa bàn, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý tổ chức và cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp cung cấp thông tin đến Sở, ngành và địa phương để thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý theo quy định hiện hành đối với việc vận chuyển tôm hùm nước ngọt vào địa bàn tỉnh; đồng thời, phối hợp Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang tổ chức đưa tin tuyên truyền phổ biến về tác hại của tôm hùm nước ngọt nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc đề cao cảnh giác, cung cấp thông tin kịp thời đến chính quyền để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả. Rà soát, thống kê cơ sở kinh doanh cá cảnh trên địa bàn, tổ chức thông tin, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh cá cảnh về cách nhận biết, không tham gia kinh doanh tôm hùm nước ngọt.

Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân về tác hại của tôm hùm nước ngọt  và các quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý tôm hùm nước ngọt cũng như các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh.

Thời gian gần đây, dự luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin hiện tượng loài ngoại lai xâm hại là tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii (còn gọi là tôm hùm đất) đang đổ bộ vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương. Đây là loài thủy sinh vật có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.

Loài tôm hùm nước ngọt không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản) và được xác định là loài ngoại lai xâm hại (Phụ lục 2 - ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại). Việc nuôi, lưu giữ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ loại tôm hùm nước ngọt này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản./.

 
Nguồn: Công văn số 879/UBND-KTN ngày 04/7/2024
Hải Nhu

Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

d1404cec-ce89-4dae-a57b-0a327a292fa9

An Giang tăng cường công tác quản lý, kiểm soát đối với tôm hùm nước ngọt

/wps/wcm/connect/05103bcb-3ba1-4b7a-8ab5-8362971df8c2/image030.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACE-05103bcb-3ba1-4b7a-8ab5-8362971df8c2-p1ZgJ-T