(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5, từ tháng 9 đến tháng 12. Do đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm y tế huyện Phú Tân đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn huyện không để dịch bệnh bùng phát.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng có hiệu quả, Trung tâm y tế huyện Phú Tân đã và đang triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Đó là tiếp tục triển khai quyết liệt công tác kiểm soát, giám sát cas bệnh từ phần mềm 54 theo hướng dẫn của Bộ y tế, thực hiện tốt công tác phát hiện cas bệnh tại tất cả các cơ sở điều trị; giám sát, xử lý ổ dịch. Tập huấn định kỳ hay đột xuất cho cán bộ trạm y tế về công tác phòng bệnh tay, chân, miệng. Chỉ đạo các trạm y tế chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, cơ số thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh.
Bệnh tay chân miệng dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ do vi rút ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc,....Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là khiến vùng da bị tổn thương, vùng niêm mạc tồn tại dưới dạng phỏng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch như là mẫu giáo, nhà trẻ,...Do đó, các trường mầm non, mẫu giáo cũng tăng cường các giải pháp phòng bệnh cho trẻ; phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; phối hợp quản lý tốt sức khỏe học sinh, cán bộ, giáo viên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.
Ngoài ra, các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền giáo dục phòng chống bệnh tay chân miệng, các cấp để cùng tham gia thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra và lây lan sang diện rộng.
Do tính chất lây truyền của bệnh tay chân miệng và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy ngành Y tế đã khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân một số biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi ăn, uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tả cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các phỏng nước của trẻ bị bệnh; Thường xuyên vệ sinh môi trường; gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo,…cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Trẻ bị bệnh phải được cách ly tại nhà từ 7 - 14 ngày đầu của bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác; đồng thời thông báo cơ quan y tế; theo dõi chặt chẽ và chăm sóc y tế kịp thời.
Phòng chống dịch bệnh tay chân miệng không chỉ là của riêng ngành y tế mà rất cần sự vào cuộc của người dân và cả cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp do ngành Y tế khuyến cáo, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ tư thục, nhằm góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc bùng phát, lây lan dịch bệnh./.
Ds: Trần Văn Chí