(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quân và dân An Giang đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với cả nước chung sức, đồng lòng, quyết tâm giải phóng quê hương, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo dòng lịch sử
Cách đây 50 năm, 11h30 phút trưa ngày 30/4/1975, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, lá cờ của Quân Giải phóng tung bay trên Tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc. Từ đây, miền Nam được giải phóng, Tổ quốc nối liền một dải, non sông hoàn toàn thống nhất.
Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; một trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc. Quân và dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra Kỷ nguyên độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Quân giải phóng vào tiếp quản thị xã Long Xuyên ngày 01/5/1975
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng cách mạng tỉnh An Giang (lúc này thuộc hai tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà) đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, củng cố lực lượng, phát động quần chúng, đẩy mạnh ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận trên cả ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn và đô thị với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”; kiên quyết và táo bạo đánh vào các cứ điểm then chốt của địch, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, vô hiệu hoá sức kháng cự của địch, đẩy nhanh quá trình giải phóng hoàn toàn các địa phương.
Hòa với khí thế tấn công vũ bão của toàn chiến dịch, tại tỉnh Long Châu Hà, ngày 28/4/1975, Quân khu 9 chỉ đạo tỉnh đưa lực lượng vũ trang về giải phóng Hà Tiên. Khi lực lượng ta hành quân đến Nam Thái Sơn được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia lực lượng ra làm hai cánh: Cánh thứ nhất tiếp tục tiến về Hà Tiên, cánh thứ hai quay lại Ba Thê giải phóng Long Xuyên.
Chiều tối ngày 30/4/1975, cánh quân tiến công thị xã Long Xuyên hành quân đến Ba Thê. Tại đây, ta đã kiểm soát và làm chủ tình hình tại quận lỵ Huệ Đức. Sáng ngày 01/5, ta bao vây gọi hàng chi khu núi Sập, đến trưa thì giải phóng hoàn toàn quận lỵ Huệ Đức, sau đó củng cố lực lượng tiến quân giải phóng thị xã Long Xuyên.
Tại Châu Thành, chiều tối ngày 30/4/1975, lực lượng vũ trang huyện tập kết ở Lộ Tẻ và đánh chiếm cầu số 5, hỗ trợ lực lượng tại chỗ giành chính quyền ở Vĩnh Hanh, Cần Đăng. Sáng ngày 01/5/1975, ta chặn đánh tan lực lượng bảo an ngụy từ Tri Tôn tháo chạy. Trưa ngày 01/5/1975, ta bao vây gọi hàng chi khu Châu Thành, một bộ phận địch chạy qua đồn Bình Thủy lập phòng tuyến “tử thủ”; ta chiếm chi khu lúc 16 giờ ngày 01/5/1975.
Chiều tối ngày 01/5/1975, phối hợp lực lượng từ Long Xuyên lên, ta chiếm trại Mê Linh và sáng hôm sau tiến đánh địch ở cồn Bình Thủy, đến ngày 02/5/1975, ta giải phóng Châu Phú.
Ở Tri Tôn và Tịnh Biên được giải phóng trong ngày 01/5/1975. Sau đó, quân ta tiến ra thị xã Châu Đốc và giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ. Đến chiều ngày 02/5/1975, các huyện, thị của trên địa bàn tỉnh Long Châu Hà được giải phóng hoàn toàn.
Tại tỉnh Long Châu Tiền, từ ngày 28 đến ngày 30/4/1975, từ tỉnh đến huyện, xã chấn chỉnh lại lực lượng, vũ khí, đạn dược, chuẩn bị kế hoạch và phương án tác chiến. Sau khi được tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Tỉnh ủy, Tỉnh đội chỉ đạo các lực lượng triển khai theo kế hoạch.
Ở Tân Châu, chiều ngày 30/4/1975, bộ đội địa phương huyện, du kích và lực lượng tại chỗ tiến hành giải phóng xã Vĩnh Xương. Sáng 01/5/1975, ta giải phóng Tân An, Vĩnh Hòa và tiến về thị trấn, đánh chiếm chi khu, căn cứ hải quân Vịnh Đồn, giải phóng quận lỵ.
Tại An Phú, chiều ngày 30/4/1975, lực lượng huyện chia làm 3 mũi tiến về thị trấn từ phía Phú Hội, Khánh Bình, Phú Hữu. Chiều tối ngày 01/5/1975, quân ta vào đến thị trấn, đến sáng ngày 02/5/1975 tiếp quản quận lỵ, tiến hành truy quét tàn quân khu vực biên giới.
Ở Phú Tân, trưa ngày 30/4/1975, lực lượng địch ngoan cố chống cự quyết liệt, lập các phòng tuyến “tử thủ”. Chiều ngày 03/5/1975, ta kiểm soát toàn bộ trung tâm Phú Tân. Ngày 04/5/1975, lực lượng tàn quân ở Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hưng Nhơn lần lượt đầu hàng. Phú Tân được giải phóng hoàn toàn.
Tại Chợ Mới, từ sáng ngày 30/4/1975, một số binh sĩ, sĩ quan ngụy và bọn phản động trong các tổ chức chính trị, tôn giáo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tụ tập tại Tây An Cổ Tự họp bàn kế hoạch chống cự hòng giành lại chính quyền ở Tây Nam bộ. Đến trưa ngày 30/4/1975, tàn quân ngụy và bảo an quân lập tuyến phòng thủ nhiều tầng từ rạch Cái Tàu Thượng đến rạch Ông Chưởng.
Chiều ngày 30/4/1975, lực lượng của ta từ Mỹ An Hưng đánh tan trận địa phòng ngự của địch ở Hội An, Hòa Bình và giải phóng các xã vào trưa ngày 01/5/1975. Sau đó, ta tiếp tục đánh địch ở phòng tuyến kinh Cựu Hội và An Thạnh Trung. Sáng ngày 03/5/1975, ta chiếm chi khu Chợ Mới. Thời điểm này, địch tiếp tục tăng cường củng cố các tuyến phòng thủ còn lại. Tàn quân ngụy và bảo an quân từ Long Xuyên, Châu Phú, Phú Tân tiếp tục chạy về Tây An Cổ Tự, nâng tổng số tàn quân hơn 5.000 tên. Chiều ngày 03/5/1975, ta lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền, Bà Vệ, phát loa gọi bảo an quân ra hàng để tránh đổ máu. Ngày 04/5/1975, theo lời kêu gọi của thân nhân, hơn ngàn bảo an quân ra hàng, tuy nhiên vẫn còn trên 3.000 quân tiếp tục “tử thủ”. Ta cho hai máy bay L.19 trinh sát và pháo binh bắn vào trận địa địch, đồng thời mở ba mũi giáp công tiến về Tây An Cổ Tự.
Trước sức tấn công vũ bão của quân ta, đến 8 giờ sáng ngày 06/5/1975, toàn bộ lực lượng địch còn lại kéo cờ trắng xin hàng, ta chiếm Tây An Cổ Tự. Như vậy, từ ngày 6/5 đến ngày 10/5/1975, ta lần lượt tiếp quản các xã trên địa bàn. Các huyện trong tỉnh Long Châu Tiền hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Nhân dân An Giang quyết tâm bám đất, giữ làng, không ngại hy sinh, tù đày, gian khổ, kiên cường, bám dân, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù để cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ tại An Giang, một địa bàn rất phức tạp đã mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho quân và dân ta; đồng thời khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, tinh thần yêu nước và quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dấu ấn nổi bật sau 50 năm
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, An Giang phải đối mặt vô vàng những khó khăn do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, trên 30.000 ha ruộng đất bị bỏ hoang. Tình hình thiên tai, địch họa, nhất là trận lũ lịch sử năm 1978 (mực nước dân cao 4,78m) làm cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, trong khi sản lượng lương thực chỉ đạt 378.000 tấn, không cung cấp đủ lương thực cho Nhân dân, dẫn đến tình trạng đói cục bộ ở nhiều địa phương. Dân số sau giải phóng là 1,36 triệu người, đông nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân gặp không ít khó khăn, toàn tỉnh chỉ có 109 y bác sĩ với 1.600 giường bệnh. Trong khi đó, tình hình biên giới Tây Nam hết sức phức tạp, bọn phản động Pôn Pốt mở hàng loạt cuộc lấn chiếm và khiêu khích trên toàn tuyến biên giới. Đêm 30/4/1977, quân Pôn Pốt chính thức phát động cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kéo dài đến cuối tháng 12/1978, đánh trực tiếp 20 xã biên giới An Giang, san bằng thị trấn Tịnh Biên, pháo kích 10 xã, trong đó, thị xã Châu Đốc thiệt hại nặng nhất. Ngày 01/01/1979, quân ta tổng phản công và đến ngày 07/01/1979 giải phóng Kandal và Tàkeo. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, thoát khỏi hoạ diệt chủng, Tỉnh thành lập các đoàn chuyên gia giúp tỉnh TàKeo thực hiện nhiệm vụ tiếp tục truy quét tàn quân Pôn Pốt, xây dựng chính quyền các cấp, xây dựng Đảng và lực lượng vũ trang địa phương; ổn định sản xuất, đời sống cho nhân dân nước bạn.
Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc, An Giang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như rà phá tháo gỡ bom, mìn, phục hóa những vùng đất bỏ hoang, xây dựng nhà cửa, trường học, trạm y tế, phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống người dân… Trong điều kiện đó, Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lợi ích của người dân, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống nông dân. An Giang từ vùng đất hoang hóa, thiếu đói đã nhanh chóng phục hồi và phát triển. Nông dân bội thu trong sản xuất nông nghiệp, đời sống từng bước được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 1986, sản lượng lương thực toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 848 ngàn tấn, đến năm 1988 đã vượt qua mức 01 triệu tấn, năm 1994 vượt mức 02 triệu tấn, năm 2000 đạt 2,5 triệu tấn và hiện nay đạt trên 04 triệu tấn. Đưa An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, giữ vai trò trọng yếu trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo.
Bằng sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và Nhân dân An Giang đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện, nông thôn đổi mới rõ nét. Trong 20 năm (2000 - 2020), kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (6,4%/năm). GRDP bình quân đầu người từ 0,65 triệu đồng/năm (1990) tăng lên 3 triệu đồng/năm (1995), 4,5 triệu đồng/năm (2000), 15,8 triệu đồng/năm (2010), 46,6 triệu đồng/năm (2020). Tỷ lệ hộ nghèo năm 1996 còn 10,6%, đến năm 2011 còn 7,84%, năm 2020 là 1,93%.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, An Giang cùng cả nước đối diện nhiều thử thách, đặc biệt với những tác động không nhỏ từ đại dịch COVID-19 và biến động kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị cao và nỗ lực không ngừng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang đã vững vàng vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành những mục tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân (6,13% - 6,42%/năm); GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 74 - 75 triệu đồng/người/năm (2025). Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 1,52% (năm 2024).
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội không ngừng tiến bộ. Chất lượng giáo dục các cấp được nâng lên, cơ sở vật chất được tăng cường. Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 71,3% (2024). Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, hoàn thiện và phát triển theo định hướng chuyên khoa hóa tuyến tỉnh và y tế phổ cập tại tuyến cơ sở, số bác sỹ trên 01 vạn dân đạt 10,68 (2024), chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao. Các chế độ, chính sách đối với người nghèo, người có công và đối tượng chính sách được quan tâm và hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, An Giang đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho toàn bộ các gia đình chính sách trước ngày 30/4/2025 và hướng đến hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn trước ngày 30/6/2025.
Bên cạnh đó, nhiều di sản, giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng bảo tồn, phát huy. Riêng năm 2024, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - An Giang được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là niềm tự hào của cả nước nói chung và của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang nói riêng. Hiện tỉnh đang phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lập hồ sơ, thủ tục trình UNESCO công nhận Di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa nhân loại.
Tự hào viết tiếp tương lai
Thành tựu nổi bật của tỉnh An Giang qua 50 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự năng động, có những phát kiến tốt, biết vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương. Kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng cải thiện.
50 năm đã đi qua, là từng ấy năm Nhân dân An Giang được sống trong hòa bình, độc lập và tự do. Với những thành tựu to lớn, toàn diện đã đạt được, thế và lực đã tích lũy, với thời cơ, vận hội mới, tỉnh An Giang đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, không chỉ là dịp để khẳng định những kết quả mang tính lịch sử đạt được qua 50 năm, mà còn là dịp đúc kết những bài học quý để định hình đường hướng phát triển đúng đắn cho tương lai. Tin tưởng rằng, với những quyết sách chiến lược của Trung ương, cùng với tinh thần năng động, sáng tạo và quyết tâm chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân, An Giang sẽ không ngừng gia tăng nguồn lực, mở rộng không gian phát triển, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng cao. Là điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất cho du khách trong và ngoài nước, một trung tâm du lịch sinh thái hàng đầu với hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị hiện đại, thông minh, kết nối thông suốt với khu vực, trong nước và quốc tế. Trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN...
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp để ôn lại và tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc và quê hương An Giang; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ thực tiễn để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, của đất nước, quyết tâm xây dựng quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. /.
Hoàng Kỳ
TS Lê Hồng Quang
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy An Giang