(Cổng TTĐT tỉnh AG) - Từ ngày 03 đến ngày 11/8/2024, tại Khu đô thị Golden City, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên diễn ra Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 . kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại – sản phẩm OCOP.
Với Chủ đề “Hương sắc An Giang”, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại – sản phẩm OCOP có quy mô gần 400 gian hàng trưng bày, trình diễn chế biến các loại bánh dân gian tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố cùng các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, hình ảnh, sản phẩm du lịch của các vùng miền trên cả nước bao gồm: Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang,.... cùng các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang.
Sự kiện bao gồm các hoạt động nổi bật:
Vào lúc 18 giờ ngày 03/8/2024, diễn ra Lễ khai mạc tại Khu đô thị Golden City, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang với sự tham gia của gần 200 đại biểu.
Lúc 9 giờ ngày 04/8/2024, tổ chức trưng bày, trình diễn chế biến ẩm thực đặc trưng từ cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên. Hoạt động do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức nhằm giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, đồng thời phục vụ đại biểu, khách tham quan thưởng thức món ăn đặc trưng đến từ tỉnh Phú Yên.
Ngày 05/8/2024, Hội thi Bánh dân gian làm từ nguyên liệu thốt nốt Chủ đề “Hương sắc An Giang” được tổ chức tại Khu Ngôi Nhà Chung của sự kiện. Hội thi không chỉ là một sự kiện ẩm thực mà còn là cơ hội để tôn vinh và gìn giữ nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống của vùng đất Bảy núi An Giang, với sự tham gia của các đầu bếp, nhà hàng, quán ăn, nghệ nhân, cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn tỉnh. Mỗi đội tham 03 món ăn trong thời gian giới hạn là 180 phút.
Cùng ngày 5/8/2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phối hợp Viện nghiên cứu Phát triển Bảo tồn Văn hóa Nghệ thuật Đông Nam Á tổ chức Hội thi xác lập kỷ lục “100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt”. Với sự tham gia của 10 đội thi là các nghệ nhân, đầu bếp chuyên nghiệp trên cả nước bao gồm: Đội Kiên Giang, Đội Cần Thơ Mộng mơ, Đội Sài Gòn Hội nhập, Đội Huỳnh Nắng Chợ Mới, Đội Tiền Giang, Đội Sông nước Hậu Giang, Đội Tri Tôn, Đội Đồng Nai, Đội Bà Rịa - Vũng Tàu, Đội Bình Dương. Mỗi đội tham gia dự thi 10 món ăn là bánh dân gian có sử dụng nguyên liệu từ thốt nốt. Hội thi được khai mạc lúc 13 giờ và trao giải lúc 18 giờ cùng ngày tại sân khấu chính của sự kiện. Với sự đánh giá bởi Ban giám khảo là các chuyên gia ẩm thực đến từ Hiệp hội bánh Việt Nam, Liên chi hội bánh Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển Bảo tồn Văn hóa Nghệ thuật Đông Nam Á, những món ăn tham gia hội thi sẽ được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt”. Hội thi được sự đồng hành của các nhà tài trợ nh Công ty Liên doanh bột quốc tế - Nhãn hiệu Mikko Hương Xưa, Yến sào và Mật hoa thốt nốt Chân Phương, Công Ty Nhất Hương, Yến Sào Mai Vy Tuệ nét đẹp Tri Tôn, Công ty TNHH thực phẩm OKINI Việt Nam, Câu lạc bộ Bếp bánh Thầy Trường….
Chương trình biểu diễn ca nhạc, hài kịch hàng đêm
Sự kiện mở cửa tự do, không thu vé vào cổng từ 08 giờ - 22 giờ, bao gồm chương trình phục vụ văn nghệ miễn phí cho khách tham quan bắt đầu vào 20 giờ mỗi ngày tại Sân khấu chính cùng nhiều chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật đặc sắc khác diễn ra tại các gian hàng trong sự kiện.
Ngoài ra, các nghệ nhân và đơn vị tham gia Ngày hội sẽ biểu diễn chế biến và tặng miễn phí bánh dân gian cho khách tham quan trong các ngày 04 – 06/8/2024 tại ngôi nhà chung của sự kiện như bánh đúc hoàng kim, rau câu, bánh xèo, bánh khọt……
Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại – sản phẩm OCOP là cơ hội cho các nghệ nhân, người làm bánh trong và ngoài tỉnh có cơ hội biểu diễn nghệ thuật làm, chế biến các loại bánh dân gian, từng bước mở rộng thị trường bánh dân gian địa phương. Đồng thời tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ẩm thực trên địa bàn tỉnh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giới thiệu sản phẩm của đơn vị mình đến với du khách. Qua đó, giới thiệu rộng rãi các sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP đến với khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương, hướng đến đạt chất lượng cao, thúc đẩy xuất khẩu./.
Trần Tùng