Năm 2025, An Giang phấn đấu có ít nhất 50 - 60 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tính đến tháng 02/2025, toàn tỉnh tổng số sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và được công nhận từ 3 sao trở lên là 182 sản phẩm (bao gồm: 05 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao); của 125 chủ thể kinh tế (trong đó: 11 Hợp tác xã, 2 Tổ hợp tác, 26 Doanh nghiệp, 86 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh).

Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh An Giang

Trong 182 sản phẩm được đánh giá, phân hạng nêu trên có 152 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên: gồm có 05 sản phẩm 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao, 137 sản phẩm 3 sao của 105 chủ thể kinh tế (09 Hợp tác xã, 02 Tổ hợp tác, 20 Doanh nghiệp, 74 là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh); Có 30 sản phẩm hết hạn công nhận 36 tháng và đang thực hiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lại theo quy định. 

Riêng năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 18 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cho 66 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên của 49 Chủ thể kinh tế sản xuất.

Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm các sản phẩm chủ yếu thuộc có nhóm ngành sản phẩm thực phẩm chiếm tỉ lệ 82.78%, ngành đồ uống chiếm tỉ lệ 13.25%, ngành Thủ công Mỹ nghệ chiếm tỉ lệ 3.31% và ngành Dịch vụ du lịch cộng đồng và Du lịch sinh thái và điểm du lịch chiếm tỉ lệ 0.67%, đối với các nhóm ngành dược liệu và sản phẩm từ dược liệu và Sinh vật cảnh đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa sản phẩm đạt công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Trên cơ sở đó, hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên đã được lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác.

Đặc biệt, tại Diễn đàn sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, tỉnh An Giang có 02 sản phẩm của 02 chủ thể đạt giải “Sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” bao gồm các sản phẩm: Mắm cá linh chưng thuộc Công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang và Mật thốt nốt bột thuộc Công ty cổ phần Palmania.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các Sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Thông qua đó, các địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương; Nhiều chủ trương, chính sách được cụ thể hoá và tổ chức thực hiện nhằm khuyến khích doanh nghiệp tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao; Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần động viên các Chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP, thay đổi nhận thức, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô, nâng cấp trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng yêu cầu khi tham gia Chương trình OCOP và thị trường trong và ngoài tỉnh, ra nước ngoài… Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã và đang triển khai thực hiện theo quy trình chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP... để sản xuất sản phẩm, là các quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Đạt được kết quả trên, năm 2025 An Giang tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường nông thôn góp phần hoàn thiện một số chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới một cách bền vững tại địa phương. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm sản xuất các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện và hoàn thiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình OCOP như: củng cố, thành lập bộ máy tổ chức các cấp và hệ thống tư vấn, hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP; Nâng cao năng lực quản lý, điều hành và thực hiện cho cán bộ thực hiện Chương trình OCOP, đặc biệt là năng lực quản lý, hoạt động của các Chủ thể tham gia vào Chương trình OCOP. 

Đồng thời hoàn thiện và cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong thực hiện Chương trình OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…để hỗ trợ cho các Chủ thể kinh tế tham gia vào Chương trình OCOP. Tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các Chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP tiếp cận với nhiều kênh bán hàng để tiêu thụ sản phẩm.

Phấn đấu trong năm 2025 các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ duy trì nâng cao các sản phẩm OCOP của địa phương và đều có sản phẩm mới, sản phẩm tiềm năng tham gia, đánh giá phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện đạt chứng nhận 3 sao, đề xuất đánh giá phân hạng cấp tỉnh đạt chứng nhận 4 sao. Hỗ trợ các Chủ thể kinh tế có các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP phát triển các tiêu chí theo quy định để đánh giá và nâng hạng sao OCOP.

Phấn đấu có ít nhất 50 - 60 sản phẩm được đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” hạng 3 sao; có ít nhất 05 sản phẩm được đánh giá, phân hạng “Sản phẩm OCOP” hạng 4 sao. Đồng thời, thực hiện rà soát các sản phẩm OCOP tham gia đánh giá, phân hạng lại sau khi hết hạn 36 tháng (trong năm 2025) và có ít nhất 05 sản phẩm đề xuất đánh giá và nâng hạng “Sản phẩm OCOP”…

Để đạt mục tiêu, An Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và công tác truyền thông cho Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin, các cơ quan thông tấn báo chí; lồng ghép chặt chẽ Chương trình OCOP với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn trên phạm vi toàn tỉnh để hiểu rõ hơn về vai trò, ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình OCOP, từ đó khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của người dân và các tổ chức kinh tế, trong đó phát huy vai trò nòng cốt của các hội, đoàn thể để tuyên truyền thường xuyên đến các đối tượng sản xuất các sản phẩm OCOP tiềm năng.

Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho thành viên Hội đồng và Tổ Giúp việc OCOP các cấp, cán bộ quản lý, tư vấn Chương trình OCOP và các Chủ thể kinh tế về Chu trình OCOP về công tác xác định sản phẩm tham gia Chương trình Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, sản phẩm mới, sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn bảo tồn văn hóa địa phương, sản phẩm sử dụng phụ phẩm nguyên liệu để gia tăng giá trị; mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng các sản phẩm đã chứng nhận; phát triển sản phẩm gắn với liên kết theo chuỗi giá trị gắn với dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; cải thiện quy trình và công nghệ chế biến đặc biệt là công nghệ chế biến, chế biến sâu; nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm thông qua cải thiện bao bì, nhãn mác... 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phát triển ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch gắn với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chế biến và xây dựng thương hiệu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm OCOP;  Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ, bán sản phẩm; xây dựng các gói quà phục vụ các dịp lễ tết, quà biếu; kết nối thị trường trong và ngoài nước; phát triển mạng lưới các Trung tâm và điểm bán sản phẩm OCOP tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Nghiên cứu từng bước xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP gắn với khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và hoạt động du lịch của tỉnh.

Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, mở rộng mạng lưới sản phẩm OCOP trong khu vực; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác triển khai, thực hiện, quản lý và điều hành Chương trình OCOP…/.

Nguồn: Báo cáo số 39/BC-SNNPTNT ngày 07/2/2025
Hải Nhu