(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, tỉnh An Giang đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của ngành du lịch, từ quản lý, vận hành đến marketing, bán hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút khách du lịch và phát triển bền vững.
An Giang đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch
Theo đó, du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông; giúp cho sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách đồng thời giúp cho việc quản lý thuận tiện, hiệu quả hơn. Với tiềm năng thế mạnh sẵn có, An Giang đang nỗ lực xây dựng Hệ thống du lịch thông minh checkinangiang.vn thuộc Khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025 , định hướng 2030.
Trong đó, giải pháp trước tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu cho du lịch thông minh. Cơ sở dữ liệu này cần được xây dựng một cách đầy đủ, chính xác và cập nhật thường xuyên, bao gồm thông tin về các điểm tham quan, dịch vụ du lịch, giá cả, phương tiện di chuyển để du khách tiếp cận. Đây là địa chỉ để cơ quan quản lý nhà nước giám sát, điều hành, tương tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, kết nối, hình thành nên các tour tuyến mới; các đối tượng khách du lịch tiềm năng của An Giang có cơ hội tìm hiểu về những nét đẹp độc đáo, đặc trưng”.
Bên cạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, xúc tiến du lịch cũng là giải pháp quan trọng để phát triển du lịch thông minh của tỉnh. Ngành du lịch An Giang có thể ứng dụng các công nghệ thông tin để quản lý, quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch của mình, như: Kết nối du khách thông qua hành trình trước, trong và sau chuyến đi; Áp dụng triệt để các công nghệ 4.0 trong ngành du lịch để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách. Xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh hỗ trợ du khách. Tăng cường tiện ích, tối ưu hoạt động cho cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng và hình thành cơ sở dữ liệu du lịch tập trung của tỉnh đáp ứng các nhu cầu kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Kết nối, liên thông dữ liệu với các cơ quan quản lý khác: quản lý lưu trú, quản lý thuế…
Cùng với đó, việc ứng dụng du lịch thực tế ảo cũng là giải pháp quan trọng hiện nay. Các doanh nghiệp du lịch An Giang có thể ứng dụng các công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch mới, nâng cao trải nghiệm của du khách. Du lịch không chạm được triển khai đồng thời với hoạt động cổng thông tin du lịch checkinangiang, du lịch không chạm (no-touch travel) là xu hướng thời hậu COVID-19 với nguyên tắc: Hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa người với các vật dụng, ưu tiên sử dụng nh0ững thiết bị và công nghệ tự động hóa.
Hiện nay, An Giang đã An Giang bước đầu tiếp cận du lịch không chạm từ việc tổ chức các kỳ triển lãm ảo tăng cường (AVR) và một công nghệ đã được triển khai như: Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), giúp du khách trải nghiệm các điểm tham quan du lịch một cách chân thực và sống động; công nghệ chatbot giúp du khách đặt phòng, đặt vé, tư vấn thông tin du lịch một cách dễ dàng và nhanh chóng; công nghệ Big data giúp các doanh nghiệp du lịch phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh hiệu quả….
Những năm qua, ngành du lịch An Giang cũng đang thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà cung cấp công nghệ. Có thể thấy, trong xu thế chung, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số, tiếp cận và tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy lợi ích của công nghệ số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một quá trình chuyển đổi tư duy, cách thức hoạt động của ngành du lịch, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ và nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các bên liên quan.
Dù đã có những nỗ lực trong việc áp dụng chuyển đổi số vào du lịch, nhưng An Giang vẫn đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn nhân lực tài chính, và công nghệ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh, một số doanh nghiệp du lịch An Giang chưa hiểu rõ về chuyển đổi số và chưa có kế hoạch chuyển đổi số cụ thể. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp du lịch An Giang bỏ lỡ cơ hội phát triển… Do đó, cần phải có thêm giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển du lịch.
Theo sự phát triển của xã hội, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của ngành du lịch. Do đó, ngành du lịch An Giang cần tận dụng cơ hội từ chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều khách du lịch hơn, và phát triển bền vững. Việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong du lịch An Giang sẽ giúp tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhiều du khách hơn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Đức Phong