(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh An Giang đón hơn 7 triệu lượt khách tham quan, tăng 16% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng 8.000 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, An Giang đón khoảng 7 triệu lượt khách tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023, ước đạt 78% so với kế hoạch năm 2024. Đây là một tín hiệu tích cực đáng mừng, cho thấy ngành du lịch tỉnh nhà đang ngày càng phát triển. Lượng khách du lịch An Giang chủ yếu tập trung tại các “thương hiệu” nổi tiếng trong nhiều năm qua như: Khu du lịch Quốc gia Núi Sam; Khu du lịch Núi Cấm, điểm du lịch rừng tràm Trà Sư cùng những di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ nổi tiếng…Đặc biệt, Khu Du lịch quốc gia Núi Sam với Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tại thành phố Châu Đốc là khu du lịch tâm linh lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan.
Cao điểm là vào lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trong tháng 4 âm lịch đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, hành hương. Miếu bà kế nối trục dọc với Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An, Chùa Hang tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch vùng sông nước góp phần tạo dựng thương hiệu An Giang.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang thông tin, để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, tỉnh đang từng bước khai thác, xây dựng những sản phẩm du lịch mới, mang tính hiện đại, ngày càng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Đơn cử như du lịch trekking kết hợp khám phá, trải nghiệm núi Cấm; du lịch Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc kết hợp tìm hiểu đời sống văn hóa cộng đồng người Chăm ở Châu Phong; du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm thực tế; du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa cộng đồng cùng nhiều sản phẩm khác… Bên cạnh đó, kết hợp với các địa phương lân cận trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long xây dựng các tour du lịch liên kết mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng cũng là hoạt động không thể bỏ qua.
Tỉnh chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch, cụ thể là hoạt động truyền thông, quảng bá. Đầu năm 2024, An Giang đã ra mắt cổng thông tin điện tử http://checkinangiang.vn, cổng không chỉ cung cấp các thông tin, tiện ích phục vụ khách du lịch mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ và du khách. Bên cạnh đó, đón đầu xu hướng, An Giang là địa phương đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long hợp tác với TikTok Việt Nam triển khai chương trình #HelloAnGiang vào năm 2023 thu hút hơn 160 triệu lượt xem và hơn 8.500 lượt chia sẻ trên nền tảng. Thời gian tới, hướng đến hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch tiếp cận, xây dựng các kênh truyền thông, quảng bá trên các trang mạng xã hội nhằm tiếp cận khách hàng tiềm năng, tạo dựng thương hiệu.
Trong nửa cuối năm 2024, An Giang tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để phát triển du lịch như: tổ chức Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024; triển khai cuộc thi sáng tạo video clip du lịch An Giang với chủ đề An Giang trong trái tim tôi; tiếp tục tham gia các sự kiện kết nối, quảng bá du lịch trên toàn quốc và nghiên cứu, khảo sát nhằm khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, tương xứng với tiềm năng và tài nguyên du lịch của địa phương. Từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và tạo ra nhiều cơ hội kinh tế cho người dân An Giang.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh An Giang cho biết, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, sở tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các khu, điểm du lịch, các lễ hội địa phương, các dịch vụ phục vụ du lịch, tạo sự đa dạng, đặc trưng về văn hoá để thu hút du khách. Nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển sản phẩm du lịch mới có thế mạnh về giá trị văn hóa địa phương, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,.. đặc biệt hoạt động du lịch gắn với nông thôn mới; liên kết phát triển du lịch giữa An Giang và các tỉnh, thành phố, cụ thể, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai Chiến lược truyền thông du lịch An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024 - 2030.
Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Tỉnh đã tập trung khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có gắn với tiềm năng du lịch của địa phương, cụ thể Du lịch tâm linh: tập trung tại Khu du lịch quốc gia Núi Sam và khu du lịch Núi Cấm gắn với Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch trong Khu du lịch quốc gia Núi Sam nhằm tạo nền tảng đột phá, thúc đẩy các khu, điểm du lịch khác phát triển. Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng: chủ yếu tập trung khai thác phát triển các sản phẩm du lịch gắn với khu vực thất sơn huyền bí, trong đó có Khu du lịch Núi Cấm. Du lịch sinh thái, sông nước: chủ yếu tập trung khai thác, phát triển du lịch tại điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư; tuyến tham quan du lịch Ba xã Cù Lao Giêng; tuyến tham quan chợ nổi Long Xuyên gắn với tham quan Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; tuyến tham quan làng bè với làng Chăm Châu Phong - thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp các địa phương tham mưu Ủy ban nhân tỉnh xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, du lịch tâm linh vẫn là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mà An Giang còn nhiều tiềm năng để phát triển như: du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp, du lịch mùa nước nổi, du lịch cộng đồng, du lịch tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững.
Để tạo sự hài lòng và giữ chân du khách, trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, cụ thể: Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các khu, điểm du lịch, các lễ hội địa phương, các dịch vụ phục vụ du lịch, tạo sự đa dạng, đặc trưng về văn hoá để thu hút du khách. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là cán bộ, nhân viên đang làm việc tại các khu, điểm du lịch, các khu vui chơi giải trí, các cơ sở kinh doanh lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống, hướng đến mỗi người dân địa phương là một hướng dẫn viên du lịch. Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa An Giang với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực và vùng Tây bắc, Tây nguyên để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch An Giang đến với du khách trong và ngoài nước; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường du lịch tại các cơ sở kinh doanh hoạt động, dịch vụ du lịch để đảm bảo sự hài lòng cho du khách.
Phương Nam