(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Chiều 06/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tham dự phiên họp. Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh An Giang.
Thực hiện chuyển đổi số, năm 2024 Việt Nam vươn lên vị trí 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (công bố tháng 9/2024). Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) ở mức “Rất cao”. Việt Nam là một trong số ít nước đang phát triển ngừng dịch vụ thuê bao 2G, với số thuê bao 2G còn lại khoảng 0,2%. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so năm 2023. Thực hiện Đề án 06, hiện nay 63/63 địa phương, 17/21 bộ, ngành đã hoàn thành kết nối Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. 100% bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp chuyển đổi số sử dụng VneID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến ngày 10/12/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương đạt 67,06%; tại bộ, ngành đạt 60,98%.
Đối với tỉnh An Giang, trong thực hiện chuyển đổi số, tỉnh phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số hoạt động trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải; nâng tỷ lệ người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, gồm: 25 dịch vụ công theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022./.
TC