Tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 04/11, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh có văn bản gửi thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (ƯPBĐKH-PCTT và PTDS) tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục sạt lở.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành là thành viên ƯPBĐKH-PCTT và PTDS tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng tài sản của Nhân dân và Nhà nước trong thời gian tới, cụ thể: Tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của bộ, ngành trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai nói chung, trong đó có sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch và sạt lở đất đá trên các núi. Đồng thời, theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai của Trung ương, các cơ quan, đơn vị chuyên môn; kịp thời thông tin, tuyên truyền dự báo, cảnh báo và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó để chính quyền và Nhân dân chủ động ứng phó. 

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt, kịp thời chế độ báo cáo nhanh về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT và PTDS tỉnh khi có thiệt hại do thiên tai xảy ra, để tổng hợp báo cáo nhanh và tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo kịp thời; Thực hiện theo phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó rủi ro thiên tai theo quy định tại Điều 7, 8 của Nghị định số 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, huy động nguồn lực tại chỗ để ứng phó kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra; Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị UBND huyện hỗ trợ; Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để ứng phó thiên tai; Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị UBND cấp tỉnh hỗ trợ.

Về nhiệm vụ, giải pháp ứng phó, khắc phục trước mắt khi xảy ra sạt lở, UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp xã, cấp huyện chủ động thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ”, huy động xử lý giờ đầu để hạn chế sạt lở; cần áp dụng ngay các biện pháp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển và theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ. Trong đó: Huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; Sơ tán, di dời khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân; bố trí đảm bảo hậu cần cho Nhân dân tại nơi sơ tán; Thực hiện kiểm tra, quan trắc, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, điều tiết giao thông thủy, bộ; Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân; huy động các cơ sở khám chữa bệnh tham gia cứu chữa cho người bị nạn. Đồng thời, Chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị thuộc thẩm quyền xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở như: di dời công trình, vật kiến trúc, chặt tỉa cây cao to nguy cơ đổ ngã, xử lý sạt lở tạm thời giờ đầu để hạn chế sạt lở mở rộng; Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng chống thiên tai, sự cố công trình xây dựng do thiên tai; Tổ chức lập, phê duyệt dự án đầu tư (nếu có) và triển khai xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành; Thực hiện các biện pháp cần thiết khác để hạn chế thiệt hại.

Về nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó lâu dài: UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thực hiện quan trắc cảnh báo sạt lở định kỳ 02 lần/năm trên các sông và thực hiện quan trắc đột xuất các điểm sạt lở; hiện đại hóa công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo về nguy cơ sụt lún, sạt lở bờ sông; Sở Tài nguyên và Môi trường đã số hóa tất cả các đoạn cảnh báo sạt lở và thông số cảnh báo của 56 đoạn cảnh báo sạt lở này được thể hiện trên web: https://satlo.angiang.gov.vn/ để tuyên truyền đến các ngành, địa phương và người dân biết chủ động công tác phòng tránh. 

Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về nhà ở trên sông, kênh, rạch theo Văn bản số 31/UBND-ĐTXD ngày 11/01/2016 và Văn bản số 1055/UBND-KTN ngày 01/10/2018 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác quản lý nhà ở trên sông, kênh, rạch. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về thủy lợi, phòng, chống thiên tai và đê điều; Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều trên hệ thống thông tin của địa phương để đơn vị quản lý, xã, phường, thị trấn, người dân biết. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh, các Viện, trường và các ngành có liên quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực sạt lở bờ sông, kênh, rạch; Các sở, ban, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống thiên tai của ngành, đơn vị mình; xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để cùng phối hợp ứng cứu theo yêu cầu, chỉ đạo của tỉnh;

UBND các huyện, thị xã, thành phố: Kiểm tra, rà soát tất cả các tuyến đê, thường xuyên kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều. Bố trí lực lượng quản lý đê ở các tiểu vùng sản xuất thực hiện tuần tra, kiểm tra các hệ thống đê bao, cống, bọng để kịp thời phát hiện các sự cố (sạt lở mái đê, lũ tràn qua đê, sự cố các cống qua đê, ….); Chủ trì thực hiện xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch theo Hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Công văn số 3520/SXD-QLN&HTKT ngày 20/8/2024 về việc hướng dẫn xử lý vi phạm trật tự xây dựng nhà ở ven sông, kênh, rạch. Trong đó có: (1) Lĩnh vực Giao thông vận tải (hành vi vi phạm hành lang luồng giao thông đường thủy nội địa); (2) Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường (hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường); (3) Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hành vi vi phạm về lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều); (4) Lĩnh vực Xây dựng (hành vi vi phạm về lĩnh vực xây dựng công trình). Tiếp tục rà soát thực hiện cắm biển cảnh báo sạt lở trong thời gian tới để tuyên truyền cho người dân biết, theo dõi chủ động phòng, tránh; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm các hoạt động khai thác cát sỏi, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai và đê điều, đặc biệt là các hành vi vi phạm như: tự ý đào đất lòng kênh, lấy đất mặt đê để đắp nền nhà, đắp sân của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; xây dựng nhà ở, kho tàng, bến bãi vi phạm hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai và đê điều, dẫn đến gia tăng nguy cơ sạt lở,...; Ứng dụng các giải pháp kết cấu mềm để bảo vệ bờ, hạn chế sạt lở ở những vị trí, khu vực phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, như: tận dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương (cành cây, lục bình,...); Thực hiện trồng cây xanh bảo vệ mái kênh, cơ đê, mái đê tại những nơi có điều kiện phù hợp, các loại cây như: Tre, tràm, bạch đàn, bần, cỏ... Thông qua các nguồn cây giống từ cây phân tán, từ Nhân dân và nguồn khác; Khu vực, tuyến có khả năng sạt lở cao, sạt lở nhiều đoạn, không đảm bảo ổn định lâu dài, kinh phí gia cố, khắc phục lớn thì nghiên cứu làm đường tránh qua khu vực sạt lở đó hoặc tịnh tiến tim, tuyến lùi vào bên trong đảm bảo ổn định lâu dài; Tiếp tục rà soát các phương tiện, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai hiện có và bố trí kinh phí địa phương, quỹ phòng chống thiên tai trong phạm vi quản lý để đầu tư các vật tư, trang thiết bị, cần thiết để đảm bảo cơ bản cho công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới theo quy định hiện hành.

UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị, thành cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa đã được phân bổ và nguồn hợp pháp khác để khắc phục sạt lở theo quy định hiện hành; Sử dụng nguồn quỹ phòng, chống thiên tai trong phạm vi thẩm quyền nguồn thu trong năm: Thực hiện theo quy định tại tại điểm b, khoản 2, Điều 16 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai: “Ủy ban nhân dân cấp huyện giữ lại tối đa không quá 23% số thu trên địa bàn (bao gồm cả số thu của cấp xã) để chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp huyện (không quá 20%) và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu quỹ (không quá 3%). Số tiền còn lại (tối thiểu 77% số thu trên địa bàn) nộp vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh”. Trường hợp vượt khả năng cân đối nguồn kinh phí của địa phương thì báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định sử dụng nguồn kinh phí Quỹ phòng, chống thiên tai không và 03 tỷ đồng/01 công trình (theo quy định tại điểm b khoản 1, Điều 16 của Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ); sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển đất trồng lúa; ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của tỉnh để hỗ trợ khắc phục sự cố sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước.

Từ đầu năm đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đã gây thiệt hại tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, ước thiệt hại khoảng 8.830 triệu đồng. Cụ thể đã xảy ra 49 vụ mưa dông gây thiệt hại 408 căn nhà ở sập, tốc mái, ước thiệt hại là 7.358 triệu đồng; thiệt hại lúa, màu là 33,10 ha, thiệt hại cây ăn trái là 5,9 ha; đặc biệt là xảy ra 52 vụ sạt lở, sụp lún đất bờ kênh, rạch, với chiều dài 1.661 m, ảnh hưởng đến 42 căn nhà ở của người dân sống trong khu vực sạt lở, ước giá trị thiệt hại về đất khoảng 1.650 triệu đồng. Qua đó, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn kinh phí của địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn hợp pháp khác, đã góp phần giúp Nhân dân ổn định cuộc sống./.

Nguồn: Công văn số 1546/UBND-KTN ngày 04/11/2024
Trần Tùng