An Giang chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Theo Bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, dự báo khí tượng, thủy văn từ nửa cuối tháng 12/2024 đến tháng 6/2025: từ tháng 02 đến tháng 6 năm 2025, ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính. Về bão và áp thấp nhiệt đới, từ nay đến tháng 4/2025, trên khu vực Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão; từ tháng 5-6/2025, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 01-02 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Các đợt không khí lạnh tăng cường xuống phía Nam, nhiệt độ ban đêm giảm xuống khá thấp nhưng nhiệt độ cao nhất buổi trưa tăng dần; tháng 3/2025, trong tỉnh có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ đầu tiên ở một số huyện, thị xã, thành phố như: Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, thị xã Tịnh Biên, thị xã Tân Châu; từ tháng 4-6/2025, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 0.3-0.8°C. Nắng nóng diện rộng xuất hiện cao điểm trong tháng 4 và tháng 5. 

Về lượng mưa, từ tháng 02-3/2025, xảy ra nhiều đợt mưa trái mùa với lượng mưa phổ biến từ nhỏ đến vừa, kéo dài trong vài ngày; tháng 3/2025, mưa do đối lưu nhiệt bắt đầu xuất hiện ở một vài nơi, tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN; từ tháng 4-6/2025, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN. Mùa mưa có khả năng bắt đầu sớm hơn TBNN. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ xảy ra trong những tháng chuyển mùa và đầu mùa mưa năm 2025. 

Về thủy văn, từ nay đến tháng 6/2025, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất trong các tháng có khả năng cao hơn cùng kỳ TBNN khoảng 0.10-0.40m, mực nước thấp nhất thấp hơn cùng kỳ TBNN từ 0.40-0.60m. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ TBNN khoảng 0.05-0.20m, mực nước thấp nhất thấp hơn cùng kỳ TBNN từ 0.15-0.25m. Vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất cao hơn cùng kỳ TBNN khoảng từ 0.20-0.50m, mực nước thấp nhất thấp hơn cùng kỳ TBNN từ 0.25-0.45m.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, kiệt phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2025; ngày 27-02, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, Chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, Công ty Điện lực An Giang, Công ty Cổ phần Điện Nước An Giang, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai Công văn số 1799/UBND-KTN ngày 16/12/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thủy văn, nguồn nước, độ mặn và nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến các cơ quan truyền thông, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, Chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, các cơ quan chức năng và địa phương để kịp thời chỉ đạo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, có hiệu quả.   

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình An Giang, Báo An Giang, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cập nhật thông tin, đưa tin kịp thời, chính xác về các bản tin dự báo, cảnh báo thủy văn, nguồn nước, độ mặn và nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh (nếu có) và các văn bản, công tác chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó của cơ quan có thẩm quyền để người dân biết, chủ động triển khai ứng phó phù hợp.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường theo dõi thông tin dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước của các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cung cấp bản tin dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn hằng tuần và khi có tình huống đột xuất) để truyền tải thông tin đến các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để làm cơ sở tổ chức các giải pháp ứng phó phù hợp; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, nhất là khu vực vùng cao, miền núi triển khai các biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn và phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với thực tế địa phương, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng hiện có.

Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch lấy nước từ hồ chứa, vận hành các công trình cống hợp lý các công trình đang quản lý để tích trữ nước, điều tiết nước do Công ty quản lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2025.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo dõi triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, kiệt mùa khô năm 2024-2025, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện quản lý vận hành đóng, mở hợp lý hệ thống cống để trữ nước vào hệ thống kênh, mương bảo đảm cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt và các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục bị thiếu nước ngọt.

Các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng, Chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương trong công tác phòng, chống, khắc phục tình hình hạn, kiệt, mực nước thấp theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo công tác cấp nước sinh hoạt và sản xuất được liên tục. 

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì báo cáo tình hình ảnh hưởng của xâm nhập mặn (nếu có) và các đề xuất, kiến nghị về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Thủy lợi) để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Chính phủ./.

Nguồn: Công văn số  258/UBND-KTN ngày 27/2/2025
Hải Nhu