(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội thị xã Tân Châu năm 2024, chúng ta dễ dàng nhìn thấy có nhiều khó khăn, thách thức (giá cả nguyên vật liệu tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp…). Nhưng với khát khao vươn lên trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng biên giới phía Bắc tỉnh An Giang; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thị xã Tân Châu đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, đổi mới và phù hợp với tình hình thực tiễn, từ đó tạo sức bật, đưa tình hình kinh tế - xã hội của thị xã tiếp tục phát triển với nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Đây được xem là nền tảng vững chắc, tạo sự bức phá về đích hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XII đã đề ra.
Thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thị xã
Năm 2024, được xem là năm bức phá đậm nét về bức tranh kinh tế - xã hội của thị xã Tân Châu; thị xã đã thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thị xã đã đề ra; hoàn thành 69/69 nhiệm vụ chương trình công tác của UBND thị xã trong năm 2024. Nổi bật là lĩnh vực kinh tế thị xã tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất của các khu vực kinh tế đều tăng, từ đó mức sống người dân trên địa bàn không ngừng được nâng lên; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 148,02% so Nghị quyết HĐND thị xã giao; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú và dịch vụ khác trên địa bàn thị xã năm 2024 ước đạt trên 15.600 tỷ đồng (đạt và vượt 5,6% so kế hoạch năm), tăng 18,77% so với năm 2023; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 770 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu chính ngạch đạt trên 345 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu chính ngạch đạt gần 220 triệu USD.
Hoạt động du lịch năm qua có bước phát triển mạnh, thị xã tập trung xây dựng và ra mắt các sản phẩm du lịch đặc trưng như các nghề truyền thống dệt lụa, dệt chiếu uzu, dệt thổ cẩm Chăm, sản phẩm du lịch cộng đồng làng Chăm xã Châu Phong, nghiệp đoàn xe lôi thùng miền tây phục vụ du khách. Trong năm, số lượng khách du lịch đến thị xã trên 33.400 lượt, tăng trên 1.500 khách so với cùng kỳ. Thị xã đã tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua các kênh truyền thông trong và ngoài tỉnh như: cung cấp 200 bản đồ du lịch, 1.000 tờ gấp giới thiệu tour làng Chăm đến các công ty lữ hành; để hoàn chỉnh hơn hạ tầng du lịch, thị xã đang tiến hành thi công bến tàu du lịch đón khách quốc tế từ các du thuyền tại phường Long Thạnh; Đồng thời ra mắt Tổ du lịch cộng đồng làng Chăm Châu Phong với 12 thành viên và trang thông tin Văn hóa - Du lịch thị xã trên nền tảng số 3D”.
Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phục hồi và đạt được kết quả tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 4.500 triệu đồng, tăng 17,38% so với thực hiện năm 2023, tăng 7,32% so với kế hoạch. Trong năm, có 17 cơ sở đăng ký đầu tư mới nâng tổng số cơ sở là 949 cơ sở và 04 cơ sở, doanh nghiệp thực hiện đầu tư mở rộng, tổng vốn đầu tư 11 tỷ 588 triệu đồng; đặc biệt thị xã xây dựng và ra mắt Website “quangbasanphamtanchau.vn” và Fanpage “Sản phẩm Tân Châu - An Giang” nhằm quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng của thị xã; triển khai thực hiện mô hình điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vĩnh Hoà và mô hình khu phố thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn phường Long Thạnh.
Trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng – giao thông vận tải, thị xã đã trình và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đến năm 2045. Bên cạnh đó, đang triển khai thực hiện Đề án rà soát, xây dựng kế hoạch thành lập các phường Phú Vĩnh, Tân An, Long An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu và thành lập thành phố Tân Châu đến năm 2030. Đồng thời, thường xuyên rà soát và điều chỉnh quy hoạch nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của thị xã. Công tác quản lý cây xanh và hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được quan tâm thực hiện; từ các nguồn vốn trung ương, tỉnh và địa phương, thị xã đã nâng cấp 09 tuyến đường với tổng chiều dài trên 5.200 mét, trong đó có 04 tuyến đường đô thị, 03 tuyến đường giao thông nông thôn và 02 tuyến đường giao thông nội đồng. Thị xã đã và đang triển khai thực hiện 95 dự án, đã hoàn thành 30 dự án, đang thực hiện 59 dự án,... với tổng kế hoạch vốn được bố trí là 360.040 triệu đồng; các dự án hoàn thành góp phần chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Một điểm nhấn trong “bức tranh” kinh tế của thị xã, đó là sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ổn định; tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ước đạt trên 2 triệu 800 triệu đồng, tăng 4,18% so với năm 2023; diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ngày được mở rộng; cây ăn trái trên địa bàn thị xã đến giai đoạn thu hoạch tăng, tình hình chăn nuôi có chiều hướng phát triển tích cực; các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả tiếp tục nhân rộng, thị xã đã triển khai 11 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất góp phần tăng giá trị sản xuất cho nông dân, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Thị xã đã thực hiện Đề án 01 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030 được triển khai thực hiện thí điểm 500 ha ở vùng bao Nam Vĩnh An và vùng bao Tân An - Tân Thạnh
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả. UBND tỉnh công nhận xã Phú Vĩnh đạt chuẩn “xã nông thôn mới nâng cao” và xã Phú Lộc đạt chuẩn “xã nông thôn mới”, đến nay thị xã có 7/9 xã được đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” và 2 xã đạt chuẩn “xã nông thôn mới nâng cao”; Hoàn thành hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận xã Lê Chánh, Tân Thạnh đạt chuẩn xã Nông thôn mới, xã Tân An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong năm thị xã có thêm 10 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm đạt “chứng nhận OCOP” là 17 (trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao).
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều mặt tiến bộ; các hoạt động văn hóa -thông tin từng bước phát triển và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trên địa bàn. Chất lượng giảng dạy các cấp học được nâng cao hơn năm học trước: học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt tỷ lệ 99,92%; Học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt tỉ lệ 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 99,88%, điểm thi tuyển sinh 10 nằm tốp 3 của tỉnh; thị xã được công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục – Xóa mù chữ tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2. Hệ thống y tế từ thị xã đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển; công tác khám và điều trị bệnh nhân dân được thực hiện thường xuyên; đảm bảo trực cấp cứu 24/24 ở các cơ sở điều trị; công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn thị xã được triển khai rộng rãi, độ bao phủ BHYT trên địa bàn thị xã đạt 100% so với kế hoạch. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, chính sách trợ giúp gia đình chính sách, người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn,… được thực hiện lồng ghép, triển khai đồng bộ, kịp thời. Trong năm, thị xã cất và sửa chữa 95 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến tích cực, luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch hành chính. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, ổn định; mối quan hệ hữu nghị hợp tác và phát triển với Chính quyền huyện Lécdéc, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia được giữ vững và bảo đảm an ninh trật tự tuyến biên giới.
Quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII
Năm 2025, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm về đích thực hiện thành công các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trên tinh thần đó, các ngành, các cấp cần xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích cực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì tăng trưởng kinh tế, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo đó, thị xã đã đề ra mục tiêu là khai thác lợi thế biên giới và các thị trường truyền thống đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động; Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy các ứng dụng số, nền tảng số trên mọi lĩnh vực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành; Chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Tăng cường công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Để từng bước hướng đến trở thành thành phố, thị xã sẽ huy động mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư công vào các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa, đồng thời tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông, nông nghiệp nông thôn, giáo dục, y tế... Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (đường N1); dự án san lấp kênh Vĩnh An giai đoạn 2 và kêu gọi đầu tư các công trình dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã,… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc, sớm đưa thị xã Tân Châu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và đạt chuẩn đô thị loại II sau năm 2030.
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, lãnh đạo thị xã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách thức làm việc, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Khuyến khích tư duy đột phá, hiến kế, tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn cùng với sự chung sức, đồng lòng thị xã Tân Châu sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm 2024, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, sớm đưa thị xã Tân Châu trở thành thành phố, là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của tỉnh An Giang./.
Văn Phô