Ngành nông nghiệp khuyến cáo lịch xuống giống vụ Thu Đông năm 2024, bắt đầu từ ngày 15/7 đến ngày 31/8/2024

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 15-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xuống giống và bảo vệ sản xuất lúa Thu Đông 2024.

Theo đó, lịch xuống giống vụ Thu Đông năm 2024 được ngành nông nghiệp khuyến cáo bắt đầu từ ngày 15/7 đến ngày 31/8/2024. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống với diện tích 37.556 ha/148.976 ha đạt 25,21% kế hoạch. Lúa đang vào giai đoạn mạ 15.342 ha, đẻ nhánh 5.495 ha và đòng 13.952 ha, trỗ 2.768 ha. Nhìn chung tiến độ xuống giống vụ Thu Đông 2024 chậm hơn nhiều so với cùng kỳ (Thu Đông 2023 xuống giống 38.461 ha, đạt 25,96 % kế hoạch); nếu các huyện đều xuống giống tập trung vào trà cuối tháng 8, khả năng sẽ gây áp lực rất lớn lên vấn đề tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch, đồng thời nguy cơ thiếu máy móc cho thu hoạch sẽ xảy ra.

Từ tình hình thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo, thực hiện tuyên truyền vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống, tiếp tục chỉ đạo UBND các xã tranh thủ họp dân bơm nước để đẩy nhanh tiến độ xuống giống lúa Thu Đông 2024 theo khung lịch thời vụ quy định. Theo ghi nhận, đánh giá tình hình dịch hại nhiều năm cho thấy xuống giống lúa càng muộn, dịch bệnh xảy ra càng phức tạp, đặc biệt là đối tượng muỗi hành. 

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền người dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao trong vụ Thu Đông 2024 theo Kế hoạch số 80/KH-SNNPTNT, trong đó thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta trong vụ Thu Đông 2024; khuyến khích, đẩy mạnh gieo trồng các giống lúa có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Tăng cường kiểm tra và có kế hoạch gia cố cống bọng, hệ thống thủy lợi chủ động bơm tiêu theo từng tiểu vùng để kịp thời sản xuất và ứng phó trước tình trạng mưa bão. Không xuống giống lúa vụ Thu Đông ở những vùng không có đê bao đảm bảo an toàn cho sản xuất. Tập trung theo dõi tình hình sản xuất lúa, phát hiện sớm tình hình dịch hại và có biện pháp quản lý kịp thời, hiệu quả.  

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lúa chất lượng cao, 1 Phải 5 Giảm, đặc biệt là kỹ thuật tưới nước tiết kiệm (ngập – khô xen kẽ), IPM, SRP… vào sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng lúa gạo hàng hóa. 

Khuyến cáo nông dân ứng dụng các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ để tăng tính chống chịu của cây lúa, giảm phân bón hóa học giúp giảm chi phí trong sản xuất. Tăng cường các hoạt động mời gọi, kết nối doanh nghiệp liên kết tiêu thụ lúa tại các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo đầu ra được ổn định./.

Nguồn: Công văn số 1952/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 15/8/2024
Hải Nhu