Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung - Chính sách mới, cơ hội mới cho người dân

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, bổ sung sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025. Những điểm mới nổi bật trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2024 là bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên cả nước.

Một trong những điểm đáng chú ý đầu tiên là mở rộng nhóm tham gia BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Điều này giúp đưa chính sách BHYT đến gần hơn với các nhóm người yếu thế như: Người lao động tự do, hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên và người dân ở vùng sâu, vùng xa. Việc mở rộng này không chỉ thể hiện tính nhân văn của chính sách mà còn góp phần tạo điều kiện để mọi người dân được bảo vệ sức khỏe một cách bền vững.

Hình minh họa

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã tăng phạm vi chi trả và bổ sung thêm nhiều danh mục thuốc, vật tư y tế, cũng như các dịch vụ kỹ thuật cao vào diện được bảo hiểm thanh toán. Đây là giải pháp thực tế giúp người dân, đặc biệt là các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính khi bệnh nặng hoặc phải điều trị các bệnh lý phức tạp. Việc mở rộng danh mục chi trả cũng khuyến khích người dân tham gia BHYT, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ và đảm bảo chính sách BHYT thực sự là “tấm lưới an sinh” hiệu quả cho cộng đồng.

Một cải tiến đáng ghi nhận khác là đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc triển khai thẻ BHYT điện tử được liên kết với căn cước công dân gắn chip. Thẻ BHYT điện tử sẽ thay thế cho hình thức thẻ giấy hiện nay, giúp người dân thuận tiện hơn trong quá trình khám chữa bệnh. Với việc tích hợp thông tin và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân hoặc sử dụng ứng dụng VssID hoặc VNeID là có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh. Sự đổi mới này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT, đảm bảo minh bạch và giảm thiểu tình trạng lạm dụng chính sách.

Cuối cùng, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung còn tập trung vào việc nâng cao chất lượng y tế cơ sở và triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở sẽ giúp người dân, đặc biệt là người ở vùng nông thôn và miền núi, tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng mà không phải di chuyển xa. Song song đó, dịch vụ khám chữa bệnh từ xa sẽ kết nối các cơ sở y tế địa phương với bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện để người bệnh được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều này không chỉ giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương mà còn tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân.

Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này là minh chứng cho sự nỗ lực của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi và nâng cao chất lượng y tế cho mọi tầng lớp nhân dân. Với các cải cách này, chính sách BHYT không chỉ trở nên thuận tiện hơn mà còn thực sự là chỗ dựa vững chắc cho sức khỏe cộng đồng. Anh Chau Sa Rin, người dân tộc Khmer ở xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, chia sẻ: “Trước đây đi khám bệnh, điều tôi lo nhất là chi phí thuốc ngoài danh mục. Nhiều khi bệnh cần thuốc đặc trị nhưng không được bảo hiểm chi trả, bà con nghèo như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nay, Luật mới mở rộng quyền lợi và danh mục chi trả sẽ giúp người dân an tâm hơn khi không còn gánh nặng tiền thuốc”. Ý kiến của anh Sa Rin thể hiện rõ sự mong mỏi của người dân vùng khó khăn về một chính sách y tế bao trùm và thiết thực hơn.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Loan, một nông dân tại xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, cũng bày tỏ niềm tin vào những thay đổi trong Luật BHYT mới: “Nhờ tham gia BHYT, năm ngoái tôi bị bệnh phải phẫu thuật, chi phí này gần như miễn phí. Chính sách này giúp gia đình tôi  giảm bớt chi phí và lo lắng. Nếu Luật mới mở rộng hơn về quyền lợi, chắc chắn nhiều bà con trong xóm sẽ tham gia đông hơn”, chia sẻ của chị Loan phản ánh thực tế rằng khi chính sách BHYT mang lại lợi ích cụ thể, người dân sẽ ngày càng tin tưởng và chủ động tham gia, “Thẻ BHYT tôi đóng có 1.263.600 đồng cho cô Lan ở Trạm Y tế xã, mà mổ đặt stent động mạch cảnh hết 43 triệu, tôi đóng lúc đó là hơn 6,3 triệu đồng, còn 36,7 triệu thì được hưởng từ BHYT”.

Ông Võ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên

Những ý kiến này là minh chứng cho thấy Luật BHYT sửa đổi đang tạo ra niềm hy vọng lớn cho người dân, nhất là những người yếu thế. Họ tin rằng với các chính sách mới, BHYT sẽ trở thành “tấm lưới an sinh” vững chắc, đảm bảo sức khỏe và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi còn được lãnh đạo các địa phương đánh giá cao và cam kết triển khai hiệu quả. Ông Võ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, khẳng định: “Với những cải tiến trong Luật BHYT mới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, đặc biệt tập trung vào các nhóm yếu thế như người lao động tự do và hộ cận nghèo. Thẻ BHYT điện tử khi được triển khai sẽ giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, thuận tiện hơn cho bà con khi đi khám chữa bệnh”, ý kiến của ông Sơn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận với chính sách BHYT mới.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng khẳng định vai trò của chính quyền cơ sở trong việc đồng hành cùng BHXH tỉnh An Giang để triển khai chính sách BHYT một cách hiệu quả và minh bạch. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của người tham gia được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Việc tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể sẽ giúp người dân, đặc biệt là các nhóm người yếu thế, hiểu rõ lợi ích của BHYT và chủ động tham gia. Phát biểu của ông Võ Thanh Sơn cho thấy sự quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc đưa Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vào thực tế cuộc sống, tạo điều kiện cho mọi người dân, không phân biệt hoàn cảnh hay địa vị, đều được bảo vệ sức khỏe một cách công bằng và bền vững.

Những cải tiến trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2024 không chỉ đặt ra mục tiêu bao phủ toàn dân mà còn đòi hỏi sự nỗ lực từ phía cơ quan BHXH để hiện thực hóa các chính sách này. Ông Hà Dựng Chí, Trưởng phòng Truyền thông BHXH tỉnh An Giang, cho biết: “Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này đặt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân một cách toàn diện hơn. Để thực hiện điều này, công tác truyền thông sẽ là mũi nhọn, giúp người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT điện tử sẽ tạo ra một bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính và nâng cao trải nghiệm cho người dân”. 

Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại ấp Phú Thiện, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn

Theo ông Hà Dựng Chí, thẻ BHYT điện tử không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh mà còn đảm bảo tính minh bạch trong quản lý quỹ BHYT. Đây là giải pháp hiện đại hóa quy trình hành chính, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tham gia BHYT. Để thực hiện thành công, vai trò của cơ quan BHXH địa phương và các Tổ chức dịch vụ là vô cùng quan trọng. Ông Chí khẳng định: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tổ chức dịch vụ như Bưu Điện, PVI, Candylife An Giang, Tuyến Hồng,… để phát huy vai trò kết nối giữa cơ quan BHXH và người dân, đảm bảo mọi người đều được bảo vệ trước rủi ro về sức khỏe”. Những nỗ lực này không chỉ giúp tăng tỷ lệ bao phủ BHYT mà còn củng cố niềm tin của người tham gia vào chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trong giai đoạn mới.

Những điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã mang đến động lực và kỳ vọng lớn cho những người trực tiếp làm công tác thu và vận động tham gia BHYT tại địa phương. Cô Nguyễn Ngọc Lan, nhân viên thu BHXH, BHYT của Tổ chức dịch vụ Candylife huyện Chợ Mới, chia sẻ: “Với những chính sách mới trong Luật BHYT, chúng tôi sẽ có thêm động lực trong công tác thu và vận động bà con tham gia. Việc có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm yếu thế như hộ nghèo, cận nghèo và học sinh sinh viên và với việc sử dụng thẻ BHYT điện tử, tôi tin tưởng bà con tin tưởng và gắn bó lâu dài với BHYT”, Cô Lan nhấn mạnh, khi chính sách được triển khai linh hoạt và thuận tiện, người dân sẽ chủ động tham gia hơn, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, nhất là các địa bàn nông thôn.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tuyến Hồng AG, một tổ chức dịch vụ tại thành phố Long Xuyên, cho rằng: “Chính sách BHYT mới đã mở ra cơ hội lớn để các tổ chức dịch vụ như chúng tôi kết nối gần hơn với người dân. Việc đơn giản hóa thủ tục, đặc biệt là triển khai thẻ BHYT điện tử, sẽ giúp chúng tôi dễ dàng tiếp cận và tuyên truyền hiệu quả hơn. Đối với nhóm người yếu thế, chúng tôi cam kết sẽ đẩy mạnh công tác vận động để họ không bỏ lỡ quyền lợi từ chính sách an sinh này”.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các Tổ chức dịch vụ và cơ quan BHXH từ tỉnh đến huyện đang tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc đưa chính sách BHYT đi vào đời sống. Với sự quyết tâm của đội ngũ nhân viên thu và những thay đổi, bổ sung từ Luật mới, niềm tin của người dân vào chính sách BHYT ngày càng củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân trong thời gian tới.

Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã mở ra nhiều cơ hội cho người dân được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách BHYT, đây không chỉ là một bước tiến quan trọng về mặt pháp lý mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong xây dựng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những bước tiến quan trọng như: Mở rộng người tham gia, tăng phạm vi chi trả và ứng dụng thẻ BHYT điện tử sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ khi đi khám chữa bệnh BHYT. 

Sự vào cuộc tích cực, chủ động của các Cấp ủy, chính quyền địa phương, từ BHXH tỉnh đến các huyện, thị, thành phố và các Tổ chức dịch vụ đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai chính sách BHYT đến với người lao động và nhân dân. Điều này không chỉ củng cố niềm tin vào chính sách an sinh xã hội mà còn góp phần xây dựng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân bền vững, minh bạch và hiệu quả. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự chủ động của người dân, mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân sẽ sớm trở thành hiện thực.

BHXH tỉnh An Giang