(Cổng TTĐT tỉnh AG)- “Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê có giá trị hết sức đặc biệt. Việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, quảng bá và trưng bày văn hóa Óc Eo đã góp phần phát huy giá trị di sản. Vì vậy, bên cạnh công tác bảo tồn cần tiếp tục phát huy giá trị Di sản văn hóa Óc Eo” - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh.
Những năm gần đây, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê nhận được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương. Các dự án triển khai tại đây đã đem lại những hiệu quả nhất định, khu di tích được bảo vệ tốt hơn, ngày một khang trang hơn. Toàn tỉnh, có 84 di tích văn hóa Óc Eo đã được tỉnh và Trung ương công nhận qua kiểm kê, xếp hạng. Trong đó có quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê tại huyện Thoại Sơn, với hơn 30 di tích trong quần thể; có 1 di tích cấp quốc gia và 4 di tích tích cấp tỉnh.
Theo Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị hoạt động đạt hơn 95% các công việc theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tiêu biểu, như: Tiếp tục tu bổ, bảo quản di tích có mái che và chưa có mái che theo định kỳ; mở cửa Nhà Trưng bày và di tích để phục vụ gần 25.000 lượt khách trong nước, quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và du lịch (trong đó có 107 lượt khách quốc tế); lập Hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích và đề nghị Bảo vật quốc gia; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm và hội thảo khoa học về văn hóa Óc Eo. Đồng thời, tiếp tục hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, khai quật khảo cổ và tuyên truyền văn hóa Óc Eo ra thế giới.
Cùng với đó, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang phối hợp UBND huyện Thoại Sơn vận hành công trình nâng cấp, mở rộng đường vào Khu Di tích đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thuộc Đường tỉnh 943 (đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn). Công trình có tổng chiều dài 14,8km; bề rộng nền đường 9 - 10m, cùng các hạng mục hệ thống thoát nước, an toàn giao thông theo quy định... Tổng mức đầu tư công trình 104 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh.
Giám đốc Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giềng cho hay, ngày 4/1/2022, Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) đã ghi danh Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới. Hiện, đã hoàn thành hồ sơ giai đoạn 1 và đang trong quá trình thực hiện giai đoạn 2 về xây dựng hồ sơ khu di tích, trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (ngày 20/11), Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cho rằng, tuy đã được Trung ương quan tâm, địa phương triển khai quyết liệt, song quá trình thực hiện vẫn còn những vướng mắc, nếu không tập trung tháo gỡ kịp thời thì việc trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới sẽ không đảm bảo tiến độ đề ra. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo khẩn trương tham mưu UBND tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng cũng đề nghị, cần phân định rõ trách nhiệm của ban chỉ đạo, ban quản lý và các cơ quan, địa phương liên quan trong quá trình xây dựng hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Di tích văn hóa Óc Eo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông về Di tích Óc Eo - Ba Thê thật đa dạng, hiệu quả bằng nhiều hình thức để thu hút khách tham quan, du lịch. Đặc biệt là ứng dụng, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin trong giới thiệu, quảng bá Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê.
Tiến hành ký hợp đồng hồ sơ tư vấn, chuẩn bị các bước liên quan thủ tục đấu thầu, dự toán thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ đề cử… để trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đúng tiến độ; quá trình thực hiện phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đề nghị các địa phương có liên quan, quan tâm đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm tham quan khảo cổ trong khu di tích nhằm thu hút khách du lịch. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế địa phương; hướng tới, xây dựng khu di tích thành khu du lịch văn hóa khảo cổ…./.
Phương Lan