Khai mạc triển lãm chuyên đề “Về nơi lưu dấu chân Người”

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Nhân kỷ niệm 136 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888- 20/8/2024), hướng tới kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2024) và 55 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (02/9/1969 – 02/9/2024), sáng 27/8, tại Bảo tàng An Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng An Giang và Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Về nơi lưu dấu chân Người”.

Đại biểu trong và ngoài tỉnh tham dự Lễ khai mạc Trưng bày chuyên đề  “Về nơi lưu dấu chân Người”

Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tặng quà và hoa cho Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà và hoa cho Bảo tàng tỉnh An Giang
Đại biểu cắt băng khai mạc chuyên đề “Về nơi lưu dấu chân Người”



Đại biểu và người dân xem trưng bày 4 phần của chuyên đề “Về nơi lưu dấu chân Người”

Triển lãm giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh chuyên đề về Bác Hồ, Bác Tôn - hai người con ưu tú đã làm rạng rỡ cho non sông Việt Nam. Là tấm gương tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc, biểu tượng cao đẹp của tình bạn, tình đồng chí gắn bó, thủy chung giữa những người cộng sản.

Đến với triển lãm chuyên đề “Về nơi lưu dấu chân Người”, công chúng sẽ được tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc – Lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân ta – Nhà văn hóa kiệt xuất và Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển lãm được trưng bày theo 4 chủ đề lớn, trong đó, phần 1: “Từ làng Sen đến Bến Nhà Rồng” - khắc hoạ hình ảnh về quê hương xứ Nghệ để thẩm thấu một trong những mạch nguồn hình thành tư tưởng, nhân cách văn hóa lớn trong con người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Phần 2: “Bác Tôn với quê hương An Giang” - giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về quê hương An Giang - một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, nằm bên dòng sông Hậu bốn mùa thoáng mát, phù sa vun bồi nên ruộng vườn tươi tốt, cây trái trĩu cành, người dân hiền hòa - nơi đã sinh ra người con ưu tú của dân tộc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Phần 3: “Bác Hồ - Bác Tôn - hai con người, một chí hướng”, qua đó giúp công chúng hiểu rõ hơn dù Bác Hồ và Bác Tôn được sinh ra ở hai miền khác nhau của đất nước, có thời niên thiếu khác nhau, nhưng cuối cùng đã gặp nhau và trở thành đôi bạn thân thiết, cùng sát cánh bên nhau đấu tranh cho mục đích vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Phần 4: “Di sản Hồ Chí Minh – Di sản Tôn Đức Thắng sống mãi với thời gian” - giới thiệu đến công chúng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện về những di tích vinh dự, tự hào mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Tôn Đức Thắng,…

Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trên cương vị Chủ tịch nước, Bác Hồ và Bác Tôn đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Dù đã đi xa, nhưng hai Bác đã để lại những giá trị di sản to lớn cho Đảng và Nhân dân ta. Địa điểm lưu dấu hai lãnh tụ vĩ đại mãi là những nơi giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Quê hương An Giang tự hào là nơi Bác Tôn đã chào đời và trải qua thời niên thiếu với những hoài bão lớn lao về đất nước. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh tự hào là nơi Bác Hồ đã đặt những dấu chân đầu tiên cho cuộc ra đi tìm đường cứu nước trên Bến Nhà Rồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Trương Bá Trạng, Đảng bộ, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như An Giang luôn có những thân tình, tương đồng về vinh dự được là 2 địa phương ghi đậm dấu ấn những bước chân, những giai đoạn lịch sử hình thành nên nhân cách vĩ đại của Bác Hồ và Bác Tôn. Những bằng chứng lịch sử ghi nhận dấu ấn theo bước chân Người luôn còn sống mãi trong con tim của nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân tỉnh An Giang nói riêng, với nhân dân cả nước nói chung.   

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng để lại, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ và Bác Tôn chăm lo đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Trương Bá Trạng nhấn mạnh.

Triển lãm mở cửa phục vụ du khách và nhân dân tham quan, tìm hiểu đến hết ngày 30/11/2024./.

Công Mạo - Trung Cang