Kết nối sông - núi - biển: Tầm nhìn mới cho du lịch An Giang và Kiên Giang

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- An Giang và Kiên Giang – hai tỉnh phía Tây Nam của Đồng bằng sông Cửu Long – là những địa phương sở hữu nhiều tiềm năng đặc biệt trong phát triển du lịch. Trong khi An Giang nổi bật với thế mạnh du lịch tâm linh, sinh thái rừng núi và văn hóa đặc sắc, thì Kiên Giang được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống biển đảo kỳ vĩ như Phú Quốc, Nam Du, Hà Tiên, cùng các khu sinh thái ngập nước như U Minh Thượng, Hòn Đất.

Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc -  Ảnh: Thanh Tiến

Tuy nhiên, thực tế cho thấy du lịch hai tỉnh vẫn đang phát triển đơn lẻ, thiếu sự gắn kết hiệu quả để tạo nên chuỗi sản phẩm đa dạng, hấp dẫn và có chiều sâu. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là khi sáp nhập An Giang và Kiên Giang, việc tái cấu trúc du lịch theo hướng tích hợp giữa tâm linh, sinh thái và biển đảo là yêu cầu tất yếu.

Đây không chỉ là giải pháp trước mắt để làm mới sản phẩm du lịch, mà còn là định hướng dài hạn để xây dựng thương hiệu liên vùng bền vững, khác biệt trong bức tranh du lịch quốc gia và khu vực.

An Giang là vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa – tâm linh đặc sắc với các điểm đến nổi tiếng như miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, chùa Hang, chùa Tây An, núi Cấm – nơi được mệnh danh là "nóc nhà miền Tây". Các điểm hành hương tâm linh ở An Giang hằng năm đón hàng triệu lượt khách, đặc biệt vào mùa lễ hội Vía Bà (từ tháng 4 âm lịch). Bên cạnh đó, du lịch sinh thái tại An Giang cũng phát triển mạnh mẽ với những điểm nhấn như rừng tràm Trà Sư, đồng lúa Thoại Sơn, hồ Ô Tà Sóc, hồ Tà Pạ.

Rừng tràm Trà Sư  -  Ảnh: Trịnh Thị Giao

Kiên Giang là điểm sáng của du lịch biển đảo và sinh thái ven biển Kiên Giang sở hữu trên 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó nổi bật là đảo ngọc Phú Quốc – trung tâm du lịch biển đảo đẳng cấp quốc tế, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ngoài ra, Hà Tiên – Rạch Giá – Hòn Sơn – Nam Du cũng là những điểm đến hấp dẫn, mang vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển. Bên cạnh đó, Kiên Giang còn có hệ sinh thái đặc trưng của rừng ngập nước tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, Hòn Đất, tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên.

Vinpearl Safari Phú Quốc  -  Ảnh: Thượng  Chánh

Dù mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng, nhưng thiếu sự kết nối liên hoàn trong phát triển sản phẩm du lịch đang khiến An Giang và Kiên Giang bỏ lỡ nhiều cơ hội. Việc phát triển du lịch tách biệt làm giảm giá trị trải nghiệm của du khách, hạn chế thời gian lưu trú và chi tiêu.

Từ đó, đặt ra giải pháp cấp thiết về việc hình thành chuỗi sản phẩm liên kết vùng, tận dụng tối đa lợi thế địa lý và tài nguyên du lịch của hai tỉnh. Cụ thể:

Thứ nhất là quy hoạch và phát triển tuyến du lịch liên tỉnh, cần xây dựng tuyến du lịch kết nối từ vùng núi – tâm linh An Giang đến vùng biển – đảo Kiên Giang. Một số tuyến gợi ý như: Tuyến 1: Châu Đốc (miếu Bà Chúa Xứ – Núi Sam) – Núi Cấm – Trà Sư – Hà Tiên – Nam Du. Tuyến 2: Long Xuyên – Thoại Sơn – Hồ Tà Pạ – Hà Tiên – Phú Quốc. Tuyến đường thủy: Châu Đốc – Hà Tiên bằng tàu cao tốc, kết nối tiếp ra đảo.

Thứ hai là liên kết sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng các gói du lịch trải nghiệm 3-4 ngày kết hợp tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng biển đảo. Khuyến khích doanh nghiệp lữ hành xây dựng tour liên tỉnh, tour theo chủ đề ("Từ núi thiêng đến biển ngọc", "Hành trình xanh phương Nam"...). Phát triển hệ thống homestay, farmstay sinh thái gắn với cộng đồng tại Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) và U Minh Thượng, Hòn Đất (Kiên Giang).

Thứ ba là chuyển đổi số và truyền thông du lịch, ứng dụng bản đồ du lịch số tích hợp các điểm đến liên kết giữa hai tỉnh. Phát triển trải nghiệm ảo 360 độ, video giới thiệu các tuyến du lịch đặc sắc. Tăng cường quảng bá du lịch qua nền tảng số, mạng xã hội, YouTube, TikTok...

Thứ tư là đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ du lịch về kiến thức liên tỉnh. Khuyến khích mô hình đào tạo song hành giữa cơ sở đào tạo nghề du lịch ở Long Xuyên, Rạch Giá với doanh nghiệp lữ hành. Đào tạo kỹ năng ngoại ngữ, thuyết minh văn hóa, ứng xử văn minh du lịch.

Thứ năm là bảo tồn tài nguyên và phát triển bền vững như có chính sách kiểm soát xây dựng, bảo vệ cảnh quan tại các khu tâm linh như Núi Cấm, Núi Sam. Bảo vệ hệ sinh thái rừng Trà Sư, rừng U Minh Thượng, khu bảo tồn biển Nam Du. Tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái có trách nhiệm, du lịch xanh.

Thứ sáu là thu hút nhà đầu tư chiến lược như mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các điểm nút du lịch như Châu Đốc, Núi Cấm, Hà Tiên, Nam Du. Ưu tiên đầu tư vào hạ tầng giao thông, trung tâm thông tin du lịch, bến tàu kết nối liên tỉnh. Kêu gọi đầu tư du lịch xanh, resort sinh thái, khu nghỉ dưỡng ven biển gắn với môi trường. Phát triển kinh tế đêm và trải nghiệm văn hóa bản địa. Tổ chức các hoạt động du lịch đêm tại Châu Đốc, Hà Tiên: chợ đêm, không gian trình diễn văn hóa dân gian, ẩm thực. Khai thác các giá trị ẩm thực đặc sản như lẩu mắm, bún cá, đường thốt nốt, nước mắm Phú Quốc. Tạo điều kiện để nghệ nhân, người dân địa phương tham gia phục vụ và hưởng lợi từ du lịch.

Thứ bảy là hợp tác quốc tế – hướng đến thị trường ASEAN và châu Á: Mở rộng hợp tác du lịch với Campuchia (qua cửa khẩu Tịnh Biên – Phnom Penh, Hà Tiên – Kep). Phối hợp xây dựng tour du lịch đường thủy từ Phnom Penh – Châu Đốc – Hà Tiên – Phú Quốc. Kết nối đường bay từ Phú Quốc đến Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore và truyền thông quảng bá cả vùng liên kết.

Với sự quyết tâm và hợp lực từ mọi phía, du lịch An Giang – Kiên Giang hoàn toàn có thể vươn lên trở thành một trong những điểm đến liên kết tiêu biểu của cả nước và khu vực, hiện thực hóa tầm nhìn "Từ núi thiêng đến biển ngọc" một cách sinh động, hiệu quả và bền vững.

Việc kết nối và phát triển du lịch tâm linh – sinh thái – biển đảo giữa An Giang và Kiên Giang là bước đi chiến lược, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Sự kết hợp hài hòa giữa chiều sâu văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên sẽ tạo ra những trải nghiệm du lịch khác biệt, hấp dẫn, góp phần nâng cao vị thế du lịch vùng Tây Nam Bộ trên bản đồ quốc gia và quốc tế./.

Đặng Đức Phong

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang