(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 01/8, tại ruộng lúa của ông Trần Thanh Hùng (Tổ nhân giống Núi Voi), phường Núi Voi, thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (Trường Đại học Cần Thơ) phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức buổi hội thảo đánh giá giống lúa triển vọng. PGS.TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ trì.








Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài Đa dạng sinh học, Cơ hội - Sinh kế và Phát triển tại Việt Nam (Viết tắt là BOLD). Đề tài do tổ chức Global Crop Diversity Trust (Quỹ quốc tế đa dạng cây trồng toàn cầu) hợp tác với Trường Đại Học Cần Thơ, thực hiện trong 2 năm 2023 – 2024.
Đề tài có sự tham gia của Nông dân và Nhà khoa học để phát triển giống lúa mới mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng sinh thái đang thực hiện đề tài ở Việt Nam.
An Giang là 1 trong 10 tỉnh của cả nước tham gia đề tài với hoạt động chọn giống lúa. Vụ Hè Thu 2024, Tổ giống Núi Voi trồng thử nghiệm 30 giống lúa mới.
Kết quả buổi hội thảo, nông dân và cán bộ địa phương tham gia đánh giá, chọn ra giống lúa mới triển vọng gồm: Giống ND2, ND11, ND3, ND1, N25, N26. Đây là giống tốt hơn giống đối chứng OM.5451, IR 64. Trong số này, 2 giống có tiềm năng nhất, có khả năng nhân rộng là giống ND2, ND11.
Các giống Nông dân chọn cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, sẽ được nông dân tiếp tục sản xuất thử trên diện rộng trong thời gian tới.
PGS.TS Huỳnh Quang Tín cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân tại nông thôn Việt Nam. Ngành Nông nghiệp và các Nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu tìm các giải pháp thích ứng BĐKH để giúp nhà nông cải thiện năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất với điều kiện môi trường bất lợi. /.
Hoàng Tuấn