(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Tỉnh An Giang có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thời gian qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên đời sống ở vùng đồng bào Khmer đã ấm no, hạnh phúc về vật chất, tinh thần.
Đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang hơn 75.878 người sống tập trung ở vùng cao gồm thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Được Trung ương, tỉnh quan tâm chăm lo từ đó đời sống và kinh tế vùng đồng bào dân tộc Khmer chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống của bà con được cải thiện.
Thay đổi bộ mặt nông thôn
Theo Ban Dân tộc tỉnh, tại An Giang, các Chương trình 135 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (từ năm 2015 -–2019) và Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ khác từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc hàng trăm tỷ đồng, nên từ miền núi đến vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi. Cụ thể, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; cả xã, phường, thị trấn trong vùng đều được phủ sóng phát thanh - truyền hình, sóng điện thoại, Internet; toàn tỉnh có 3 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 97%...
Về xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn là đường bê tông hóa, dọc hai bên đường nhà tường mọc chen chúc, phụ nữ Khmer ngồi mua bán các món ăn đặc sản như đu đủ đâm, nước thốt nốt, bánh kà tum. Trên những cánh đồng, nông dân Khmer cần cù trồng lúa, trồng đậu phộng. Theo Ủy ban nhân dân xã Ô Lâm, xã có 3.032 hộ đồng bào dân tộc Khmer với 9.903 nhân khẩu chiếm 95,65% dân số. Thời gian qua, ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng, xã đã hỗ trợ nghề cho 25 hộ và triển khai hỗ trợ nhà ở cho 72 hộ từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719...
Người dân Khmer xã Ô Lâm vui hơn khi kinh tế cải thiện, đời sống tinh thần, văn hóa cũng được chăm lo. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” thời gian qua, công tác bảo tồn các di sản văn hoá ở xã Ô Lâm đã được duy trì và phát triển. Đặc biệt là các hoạt động văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Khmer như dạy đàn Chà pây, hỗ trợ dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer, phục dựng lễ hội Ook Om Bok, thành lập tổ hợp tác sản xuất đường thốt nốt, làng sản xuất cốm dẹp…
Hòa thượng Chau Sưng, Trụ trì chùa Phnôm Tà Pạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn cho biết, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã rất quan tâm, chăm lo cho đồng bào các dân tộc. Bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng và Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, thực hiện nhiều chính sách cho hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống, từng bước đưa huyện Tri Tôn thành huyện phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Đời sống ấm no
Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn thông tin, từ năm 2019 đến 2023, huyện Tri Tôn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng 253 công trình với tổng kinh phí hơn 460 tỷ đồng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng dân tộc đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng được nhu cầu thông thương trao đổi hàng hóa. Ủy ban nhân dân thị xã Tịnh Biên bộc bạch, từ năm 2019 đến nay, các vùng đồng bào dân tộc ở thị xã đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án với các mô hình kinh tế hỗ trợ sản xuất đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng ngành nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ các nguồn vốn vay, hỗ trợ nhà ở… từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của thị xã Tịnh Biên năm 2023 là 57 triệu đồng so với năm 2019 là 40,9 triệu đồng/người/năm và so với năm 2015 là 24,423 triệu đồng. Tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tốt hơn và an ninh biên giới được giữ vững. Tại thị xã Tịnh Biên, nổi bật trong 5 năm qua là các công trình thủy lợi vùng cao: Hệ thống Trạm bơm điện 3/2 và Trạm bơm Đình Nghĩa tạo điều kiện thuận lợi nhất để chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Vào mùa khô, những xã An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung với hơn 500 ha đất nông nghiệp ở vùng đất cao trước đây không đủ nước tưới nên việc trồng lúa, rau màu gặp khó khăn. Nhưng nay nhờ có hệ thống thủy lợi nên nhiều nông dân Khmer sản xuất lúa từ 1 vụ/năm lên 3 vụ/năm, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào Khmer. Nông dân Chau Tâng ngụ ấp Tô Thi xã An Cư hưởng lợi từ trạm bơm 3/2 cho biết, vùng này thổ nhưỡng là đất pha cát nên trồng lúa rất cực do đất không giữ nước được lâu. Thiếu nước tưới nên cây lúa ra bông ít, mỗi năm chỉ làm 1 vụ nhưng từ khi trạm bơm cấp nước tưới quanh năm nên làm được 2 vụ lúa, 1 vụ màu từ đó cuộc sống ấm no.
Tương tự như xã Ô Lâm, các phum sóc các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như xã Lê Trì, Châu Lăng, Núi Tô, An Tức và thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn) và xã An Hảo, An Cư, Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Nông (thị xã Tịnh Biên) thụ hưởng các Chương trình Mục tiêu quốc gia không còn là vùng quê nghèo với nắng bụi, mưa sình, thiếu nước sạch, thiếu điện xài mà thay vào đó là bộ mặt nông thôn khang trang, điện nước sạch về từng nhà. Nếu cuối năm 2022 hộ nghèo người dân tộc thiểu số là 3.161 hộ thì đến cuối năm 2023 số hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 2.355 hộ.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh thông tin, thực hiện chương trình 1917 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 có tổng nguồn vốn trên 183 tỷ đồng tập trung đầu tư hỗ trợ giải quyết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...
Các mảng văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer luôn được quan tâm. Vào các dịp Tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây, lãnh đạo tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức các đoàn đến thăm các tổ chức, cá nhân; đến thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà cho các cơ sở thờ tự, cán bộ hưu trí, gia đình chính sách là đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Tết Chôl - Chnăm - Thmây, tỉnh còn hỗ trợ các trường tặng quà cho học sinh, sinh viên tiêu biểu; cán bộ, chiến sĩ đang tại ngũ; lực lượng công an; lực lượng bộ đội biên phòng người dân tộc Khmer. /.
Phương Nam