An Giang phát triển du lịch bền vững từ kết nối văn hóa tâm linh và biển đảo trong kỷ nguyên số

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Chưa bao giờ khái niệm liên kết vùng trở nên sống động và gần gũi như lúc này, khi An Giang bước vào giai đoạn sau sáp nhập với Kiên Giang - một bước ngoặt lớn về địa giới hành chính và tư duy phát triển. Trong đó, ngành du lịch được xem là mũi nhọn có thể mở ra động lực phát triển bền vững, khi tỉnh An Giang mới hội tụ cả hai lợi thế: Di sản văn hóa tâm linh của vùng Thất Sơn và hệ sinh thái biển đảo thuộc vịnh Thái Lan.

Chuyên đề “Thúc đẩy du lịch thông minh trong kỷ nguyên số” được đề cập tại Hội thảo khoa học do Liên hiệp Hội An Giang tổ chức vào tháng 5/2025

Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, không chỉ cần hạ tầng, chính sách hay vốn đầu tư, mà quan trọng hơn, cần một lực lượng trung gian - hiểu địa phương, có mạng lưới kết nối và đủ năng lực truyền tải tri thức khoa học - công nghệ đến cộng đồng. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang (Liên hiệp Hội An Giang) chính là một điểm sáng điển hình cho vai trò đó.

“Một điểm đến - hai sắc thái” và cơ hội tái cấu trúc du lịch vùng

Trung tâm văn hóa tâm linh miền Tây (vùng An Giang cũ) sở hữu những điểm đến không thể thay thế: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; cụm Núi Cấm, Núi Sam, vùng Thất Sơn kỳ bí, nơi kết nối đời sống văn hóa của người Kinh - Hoa - Khmer - Chăm. Những yếu tố này là nền tảng lý tưởng cho du lịch tâm linh, văn hóa bản địa và du lịch cộng đồng phát triển.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh An Giang

Trong khi đó, khu vực biển đảo Kiên Giang (cũ) với Rạch Giá, Hà Tiên, đảo Phú Quốc (nơi sẽ diễn ra Hội nghị APEC 2027), Nam Du, Thổ Chu… lại mang tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái và khám phá. Đây là cửa ngõ quốc tế, có thể kết nối với du khách khu vực ASEAN qua đường thủy và hàng không, nếu được quy hoạch đồng bộ.

Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh An Giang

Vấn đề đặt ra là: làm sao để hai vùng - núi non tâm linh và biển đảo sinh thái - cùng hòa quyện thành một sản phẩm du lịch liên kết? Đây không chỉ là bài toán của doanh nghiệp hay ngành du lịch, mà là câu hỏi cấp thiết về phát triển vùng, đòi hỏi tư duy tổng hợp giữa chính sách, tri thức bản địa và ứng dụng khoa học công nghệ.

Liên hiệp Hội An Giang - sẽ là cầu nối tri thức

Trong bối cảnh ấy, Liên hiệp Hội An Giang đã chủ động đề xuất với Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) tổ chức chuyên đề truyền thông phổ biến kiến thức năm 2026 với chủ đề: “An Giang phát triển du lịch bền vững từ kết nối văn hóa tâm linh và biển đảo trong kỷ nguyên số”, sẽ được tổ chức tại Rạch Giá. Đây không chỉ là một hoạt động thường niên, mà là một sự kiện lớn nhằm lan tỏa tư duy phát triển mới - bền vững - liên vùng - số hóa - có sự tham gia của cộng đồng.

Dưới góc nhìn của một tổ chức trí thức địa phương, Liên hiệp Hội An Giang nắm rõ cả điểm mạnh và “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch: tình trạng phân tán sản phẩm du lịch, thiếu liên kết chuỗi, chất lượng dịch vụ chưa đồng đều và đặc biệt là khoảng cách số giữa người dân và công nghệ số. Với thế mạnh trong truyền thông, kết nối chuyên gia đào tạo các lĩnh vực, trong đó có đào tạo du lịch, Liên hiệp Hội An Giang đã thiết kế chương trình tập huấn hướng đến 03 nội dung chính, như sau:

Một là, tái định vị chiến lược du lịch vùng sau sáp nhập - gắn kết không gian văn hóa tâm linh - biển đảo thành chuỗi giá trị du lịch thống nhất.

Hai là, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng AI vào quảng bá, vận hành, quản trị điểm đến du lịch.

Ba là, tăng cường năng lực cho cộng đồng, hướng dẫn viên, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng sản phẩm du lịch mới và kinh doanh bền vững.

Không chỉ dừng lại ở phổ biến kiến thức, Liên hiệp Hội An Giang cam kết chuyển tải nội dung này thành các tài liệu mở, video hướng dẫn, mô hình mẫu, để nhân rộng ra các xã, phường, đặc khu có tiềm năng làm du lịch nhưng chưa được tiếp cận đúng cách.

Việc đăng ký triển khai nhiệm vụ này với VUSTA không chỉ là một hoạt động chuyên môn, mà còn là cam kết đồng hành lâu dài của Liên hiệp Hội An Giang trong việc lan tỏa những mô hình phổ biến tri thức thực chất, gắn với chuyển đổi số và thực tiễn tại địa phương. Qua đó, đơn vị mong muốn góp phần làm rõ và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tại chỗ trong xây dựng các giá trị phát triển vùng - vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thích ứng linh hoạt với xu thế hội nhập toàn cầu bằng công nghệ số./.

Nguyễn Văn Nhanh