(Cổng TTĐT tỉnh AG)- An Giang là 1 trong 4 tỉnh kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, tiếp giáp Campuchia, có tiềm năng lớn về du lịch (DL), thương mại và nông nghiệp. Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh dài 5.637km. Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh xác định 3 lĩnh vực trọng tâm: Kinh tế nông nghiệp, phát triển DL và kinh tế biên mậu và sẽ quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức chia sẻ.
Không gian mới
Ông Ngô Công Thức chia sẻ: “Nhìn lại chặng đường qua, tỉnh đạt nhiều thành tựu đáng kể. Đặc biệt, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, về khâu đột phá, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển thương mại, DL và công nghiệp. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được đầu tư. Trong giai đoạn mới, hội nhập sâu rộng với quốc tế, An Giang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới”.
“Được sự quan tâm Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương, hệ thống giao thông quốc lộ và đường tỉnh được đầu tư kết nối với hệ thống giao thông khu vực, khắc phục tình trạng chia cắt về địa hình, kết nối các khu DL, trung tâm kinh tế của vùng và khu vực. Ngành giao thông vận tải được đầu tư và định hướng đầu tư với mục tiêu tăng cường liên kết vùng và liên vùng, phát triển “đột phá kết cấu hạ tầng giao thông”, từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, kết nối hệ thống giao thông của tỉnh đến các tuyến vận tải quốc tế và cửa khẩu quốc tế, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức chia sẻ.
Thực hiện chủ trương phát triển đột phá kết cấu hạ tầng giao thông, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được khởi công năm 2023. Dự án đang thực hiện các thủ tục, để đầu tư tuyến kết nối cao tốc đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, kết nối khu vực biên giới An Giang với thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đến Cảng Trần Đề. “Dự án sau khi hoàn thành sẽ khơi thông tuyến hành lang hướng về biên giới Tây Nam (Campuchia, Lào), kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông An Giang đến tuyến vận tải quốc tế; tạo cơ hội cho hàng hóa của tỉnh và tiếp cận thị trường rộng lớn các nước ASEAN và xuất khẩu sang các nước Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do qua cảng nước sâu Trần Đề. Hiện, các dự án thành phần đã khởi công, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2027” - ông Ngô Công Thức cho biết.
Giá trị mới
Nói về giá trị mới của các dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức nhận định: Dự án cao tốc sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến trục dọc sông Hậu, song song và phá thế độc đạo của Quốc lộ 91. Bên cạnh đầu tư tuyến trục dọc, 3 tuyến trục ngang kết nối đã và đang thực hiện đầu tư. Tuyến trục ngang thứ nhất - khu vực biên giới của tỉnh: Tuyến N1 kết nối Quốc lộ 91, kết nối Khu DL Núi Sam, Khu DL Núi Cấm, Trung tâm Thương mại thành phố Châu Đốc với các Khu DL của thành phố Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), kết nối liên vùng đến tỉnh Đồng Tháp. Tuyến này đang được thi công, dự kiến hoàn thành năm 2025. Tới đây, tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và phối hợp tỉnh Đồng Tháp đầu tư cầu Tân Châu - Hồng Ngự vượt sông Tiền và tuyến N1 thuộc tỉnh Đồng Tháp kết nối với cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh.
Tuyến trục ngang thứ 2 - khu vực huyện Châu Phú và Phú Tân: Tuyến ĐT 945 (quy hoạch là tuyến Quốc lộ 80C) được đầu tư quy mô 2 làn xe kết nối từ Quốc lộ 91 - huyện Châu Phú đến ranh tỉnh Kiên Giang. Định hướng giai đoạn năm 2026 - 2030, đầu tư đoạn còn lại gồm cầu Năng Gù (thay thế bến phà Năng Gù trên sông Hậu) và mở mới đoạn tuyến Quốc lộ 80C qua huyện Phú Tân, phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp đầu tư tuyến Quốc lộ 30C kết nối tuyến ĐT 945 với cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh đoạn Cao Lãnh đến cửa khẩu Dinh Bà. Để tiếp tục đầu tư ĐT 945, kết nối với tỉnh Kiên Giang đầu tư đoạn tuyến Quốc lộ 80C đoạn qua huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang), kết nối từ điểm cuối của ĐT 945 với Quốc lộ 80 tỉnh Kiên Giang. Tương lai sẽ hình thành tuyến trục ngang liên vùng, kết nối các tuyến trục dọc: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (tỉnh Đồng Tháp), kết nối Quốc lộ 80 (tỉnh Kiên Giang).
Tuyến trục ngang thứ 3 - khu vực thành phố Long xuyên, huyện Chợ Mới, định hướng đầu tư đến năm 2030, đầu tư cầu Tôn Đức Thắng vượt sông Hậu và tuyến đường kết nối ĐT 944B. Theo Quyết định 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang, sẽ hình thành tuyến trục ngang kết nối Quốc lộ 91, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nút giao Km38 - ĐT 956), ĐT 944, Quốc lộ 80B, cầu Cao Lãnh đi Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tuyến trục ngang này có ý nghĩa quan trọng kết nối hệ thống đường bộ đến quê hương và Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức đúc kết, nếu được dành nhiều nguồn lực đầu tư, tới đây, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh sẽ hình thành 3 tuyến trục ngang (tuyến N1, ĐT 945 (Quốc lộ 80C), ĐT 944B và cầu Tôn Đức Thắng). Kết nối với 2 tuyến cao tốc trục dọc, gồm: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (Cao Lãnh- An Hữu đi cửa khẩu Dinh Bà), sẽ hình thành hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại của tỉnh, có kết nối “dọc ngang thông suốt”. Yếu tố cốt lõi khắc phục tình trạng chia cắt về địa hình, tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông, tạo nền tảng cho kinh tế An Giang phát triển..../.
Hạnh Châu