Thực hiện Công điện số 6851/CĐ-BNN-ĐĐ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông; Công văn số 3396-CV/VPTU của Văn phòng Tỉnh ủy và Công văn số 640-CV/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai công tác phòng, chống thiên tai ứng phó áp thấp nhiệt đới và phòng, chống lũ trên địa bàn tỉnh, ngày 17-9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT và PTDS tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
Thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn của các cơ quan chuyên môn.
Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang, các cơ quan thông tấn, báo chí: Chỉ đạo hệ thống phát thanh, truyền tin ở các xã, phường, thị trấn tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cập nhật và đưa tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, hoàn lưu bão và lũ đầu nguồn sông Cửu Long, các tin dự báo, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan Trung ương, địa phương để các cơ quan và người dân biết, chủ động ứng phó; cách nhận biết và các biện pháp ứng phó mưa, dông kèm lốc, sét, mưa đá. Trong đó, đặc biệt lưu ý đề phòng tai nạn do sập nhà; tốc mái nhà; cây, cột điện đỗ ngã; các vật thể bị dông, lốc thổi bay; điện giật; sét đánh... Tuyệt đối không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đỗ ngã. Trong thời gian xảy ra mưa, dông, lốc thì không nên đi ra ngoài trời, nên trú ở trong các nhà ở kiên cố, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, kiên cố, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị An Giang tiếp tục thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, chặt mé cây cao chết cành, tán rộng trong nội ô thành phố Long Xuyên và các đô thị, thị trấn trong tỉnh; tổ chức ứng trực 24/24 để xử lý tình huống khi có cây đỗ ngã làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng tính mạng, tài sản Nhà nước và Nhân dân.
Đồng thời yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị phương án, biện pháp đảm bảo các cơ sở y tế, giáo dục sẵn sàng đưa vào hoạt động bình thường khi có ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão và lũ đầu nguồn sông Cửu Long gây ra; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT và PTDS tỉnh) phối hợp cùng các địa phương chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, trạm bơm thực hiện công tác kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng và trạm bơm tiêu, kịp thời chống úng bảo vệ diện tích sản xuất vụ Thu Đông năm 2024 tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh.
Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông (đường thủy, đường bộ) khi có tình huống thiên tai, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt theo phân cấp quản lý.
Các chủ đầu tư, đơn vị đang thi công công trình có kế hoạch bảo vệ công trình, tránh hư hỏng do ảnh hưởng của mưa dông, lũ, sạt lở,… Đối với các công trình chưa hoàn thành hoặc không bảo đảm tiến độ thì phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị để kịp thời xử lý khắc phục khi có sự cố xảy ra, nhằm thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời, đề nghị Công ty Điện lực An Giang có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm tiêu chống úng nhằm bảo vệ tốt sản xuất vụ Thu Đông năm 2024, kịp thời hỗ trợ, khắc phục các sự cố về điện khi có tình huống xảy ra; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý, quản lý an toàn hồ đập để bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ động sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng địa phương, dân quân cơ động tại chỗ, lực lượng xung kích phòng chống thiện tai cấp xã, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ… xử lý các trường hợp cấp bách xảy ra, tham gia cứu hộ, cứu nạn, giữ vững trật tự an ninh xã hội,....; Các thành viên Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT và PTDS cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện để triển khai ứng phó tình hình, diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, hoàn lưu bão và lũ đầu nguồn sông Cửu Long gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã và thành phố thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn: Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết nguy hiểm diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, hoàn lưu bão và lũ đầu nguồn sông Cửu Long trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời thông báo, cảnh báo cho Nhân dân biết (nhận thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT và PTDS tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang,…) để chủ động tổ chức triển khai, ứng phó kịp thời. Đặc biệt lưu ý đề phòng tai nạn do sập nhà; tốc mái nhà; cây, cột điện đỗ ngã; các vật thể bị dông, lốc thổi bay; điện giật; sét đánh... Tuyệt đối không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đỗ ngã. Trong thời gian xảy ra mưa, dông, lốc thì không nên đi ra ngoài trời, nên trú ở trong các nhà ở kiên cố, hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, kiên cố, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
Đồng thời, rà soát phương án, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng phó với thời tiết nguy hiểm, diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, hoàn lưu bão và lũ đầu nguồn sông Cửu Long gây ra; Tiếp tục rà soát, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân: gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, kho tàng, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc; kiểm tra các bảng hiệu, pa - nô, bảng quảng cáo có khả năng mất an toàn thuộc phạm vi quản lý, nhằm đề phòng mưa, dông, lốc xảy ra gây thiệt hại đến tính mạng, nhà ở và tài sản Nhà nước và người dân; chặt mé các cây có khả năng đỗ ngã, nhất là những cây gần nhà và ven sông, kênh, rạch gây sạt lở bờ sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, bố trí lực lượng quản lý đê ở các tiểu vùng sản xuất thực hiện tuần tra, kiểm tra các hệ thống đê bao, cống, bọng để kịp thời chủ động gia cố, khắc phục các tuyến đê xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở và xử lý khi xảy ra sự cố công trình theo phương châm “bốn tại chỗ”; Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tổ chức vận hành đóng, mở hệ thống cống hợp lý, quản lý an toàn hồ đập; lắp đặt, vận hành các trạm bơm tiêu chống úng kịp thời để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân và diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông năm 2024, diện tích rau màu, cây ăn trái trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã và thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, học sinh. Xây dựng kế hoạch sẵn sàng huy động lực lượng, tổ chức các chốt cứu hộ, cứu nạn, các điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng ngập sâu ảnh hưởng của lũ; Triển khai các giải pháp bảo vệ các lồng bè, ao nuôi thủy sản; các cơ sở chăn nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, hoàn lưu bão và mưa, lũ gây ra. Đồng thời có kế hoạch bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị vật tư và phương tiện để ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; thực hiện tốt chế độ trực 24/24 và báo cáo nhanh về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT và PTDS tỉnh (khi địa phương có bị thiệt hại) để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, hoàn lưu bão và kết hợp lũ đầu nguồn sông Cửu Long do mưa, lũ thượng nguồn, đồng thời nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy ƯPBĐKH - PCTT và PTDS tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nhiệm vụ chỉ đạo nêu trên.
Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, hồi 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc của Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 – 61 km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15 - 20 km/h. Dự báo trong thời gian tới áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão (cơn bão số 4)./.
Nguồn: Công văn số 1279/UBND-KTN ngày 17/9/2024
Trần Tùng