(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 31-7, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, kinh phí thực hiện Kế hoạch là 11,5 tỷ đồng và phân bổ theo từng năm.

(Ảnh minh họa – Nguồn: chinhphu.vn)
Thực hiện mục tiêu năm 2025, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, video clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Phấn đấu 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt tỷ lệ từ 50%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 90%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt 70%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%; Tỷ lệ chất thải hữu cơ được tận dụng ủ compost đạt 10%.
Đến năm 2030, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định; 90% chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý; 85% chất thải rắn sinh hoạt được tái chế; 30% chất thải hữu cơ được tận dụng ủ compost.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố; loa phát thanh của UBND xã, phường, thị trấn; ứng dụng trên điện thoại, xây dựng sổ tay, nhãn, áp phích; video clip, phim, tiểu phẩm, bản tin...; các hoạt động tập huấn trực tiếp/trực tuyến, các buổi họp, các buổi nói chuyện, tọa đàm; lồng ghép vào trong các chương trình dạy học, các hoạt động ngoại khóa, hội thi trong trường học các cấp…
Thực hiện phương án phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đầu tiên phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo 03 nhóm: (1) Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ; (2) Nhóm chất thải thực phẩm, gồm: thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng, các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn, các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản...; (3) Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.
Sau đó, chứa đựng trong các bao bì/thùng chứa với 03 màu khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển. Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường (khuyến khích sử dụng màu nâu); Chất thải thực phẩm đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường (khuyến khích sử dụng màu xanh) và được khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường; Chất thải rắn sinh hoạt khác đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường (khuyến khích sử dụng màu vàng). Tất cả các chất thải này yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Và cuối cùng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát liên quan đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng tôn vinh các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực và thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn./.
HY
Nguồn KH số 752/KH-UBND ngày 31/7/2024