An Giang bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Tỉnh An Giang có hệ thống kênh, rạch dày đặc, do đó nguồn lợi thủy sản, tôm, cá nước ngọt tự nhiên khá phong phú, nhất là có 2 loài cá gồm cá đen và cá trắng, cá trắng có quanh năm, trong đó cá linh chiếm hơn 70% tổng lượng khai thác. Nghề cá đã giúp hàng ngàn người dân có thu nhập ổn định nhưng càng về sau đời sống bấp bênh khi nguồn thủy sản tự nhiên giảm nghiêm trọng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên của tỉnh theo từng năm giảm dần, cụ thể, năm 2001 hơn 96 nghìn tấn nhưng đến năm 2011 chỉ còn hơn 41 nghìn tấn, năm 2021 là 14,8 nghìn tấn.

(Ảnh – Nguồn Cổng TTĐT tỉnh An Giang)

Nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh, thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, ngày 01-10, UBND tỉnh đã có kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030.

Cụ thể, phấn đấu 100% các huyện, thị, thành phố tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm; Thành lập 03 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 1 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật thủy sản.

Để công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được đảm bảo, hiệu quả, thời gian tới tỉnh tăng cường thực hiện tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản, trong đó tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các hệ sinh thái thủy vực tự nhiên đối với một số giống loài thủy sản quý hiếm, nguy cấp, loài có giá trị kinh tế, khoa học và loài đặc hữu của tỉnh; Triển khai việc sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực.

Xây dựng, tổ chức các mô hình khai thác thủy sản nội địa theo hình thức đồng quản lý, kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chọn lọc, khôi phục các loại nghề, ngư cụ đánh bắt thủy sản truyền thống hiệu quả, thân thiện với môi trường hệ sinh thái thủy vực, không tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản nội địa hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế về nguồn lợi thủy sản, đặc điểm sinh kế của cộng đồng dân cư của từng địa phương (huyện, thị xã, thành phố). Tiến tới loại bỏ hẳn các loại hình, phương tiện khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên (sử dụng xung điện, hóa chất độc,…) trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng và xã hội về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; Đẩy mạnh thực hiện chính sách chuyển đổi nghề, đa dạng hóa sinh kế cho cộng đồng dân cư; chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác thủy sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác thủy sản.

Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của các đối tác và tổ chức quốc tế; trao đổi thông tin, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về điều tra, khảo sát, đánh giá, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản vùng nội địa; quản lý loài thủy sản, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hợp tác xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với các nước trong khu vực; chống khai thác IUU; thực hiện nghiêm túc các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản mà Việt Nam đã tham gia.

Từ năm 2012 đến nay, hằng năm, An Giang đều tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng nước tự nhiên góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Gần đây, nhiều hộ dân trong tỉnh đã nuôi và bảo vệ được đàn cá "hoang dã" tìm đến khu vực bến sông của một số gia đình sinh sống với số lượng khá lớn. 

HY
Nguồn:  Kế hoạch số 948/KH-UBND ngày 01/10/2024