(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Chiều 13/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương tham gia thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương khẳng định, dự thảo luật có nhiều nội dung đột phá, như: Quy định về khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc từng phần; cơ chế khuyến khích trong mua sắm công; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát quản lý kết quả nhiệm vụ; xử lý tài sản và thương mại hóa kết quả nghiên cứu… Kỳ vọng luật “khơi thông”, tháo gỡ “rào cản”, “điểm nghẽn”… tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.
Về nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 4), đại biểu cơ bản thống nhất theo dự thảo luật. Tuy nhiên, đây là luật được bổ sung rất nhiều chính sách mới, đề nghị tách riêng nội dung quy định về nguyên tắc với quy định về chính sách, góp phần tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai, áp dụng luật.
Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về chính sách khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, thời gian qua, rất nhiều cá nhân (đặc biệt là nông dân) từ thực tiễn cuộc sống, lao động sản xuất đã chủ động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chế tạo máy móc, công cụ phục vụ sản xuất rất hiệu quả. Đây là nguồn lực rất lớn trong xã hội, cần có chính sách phù hợp, bao quát hơn nhằm thu hút, động viên, khuyến khích họ tham gia vào hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tương xứng với vai trò là quốc sách hàng đầu.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, xác định rõ tôn chỉ, mục đích của Tạp chí khoa học để phù hợp với tình hình hiện nay. Khoản 2 Điều 19 dự thảo luật quy định: “Các tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được hình thành một hay nhiều tạp chí khoa học”. Thiết nghĩ quy định này là chưa phù hợp với yêu cầu tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, chưa phù hợp với quy định tại Khoản 5, Điều 17 Luật Báo chí. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ, tránh nguy cơ phát triển tràn lan, không đảm bảo chất lượng; hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, dễ bị thương mại hóa, nhất là khi đứng trước áp lực lớn liên quan đến yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu khoa học.
Về ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 52), dự thảo luật đã thiết kế chính sách ưu đãi theo 4 nhóm đối tượng; các loại ưu đãi được đề cập khá toàn diện, tiếp cận gần hơn với mô hình các nước tiên tiến, với nhiều cơ chế tài chính đột phá, như: Cho phép thỏa thuận lương, phụ cấp đặc biệt, giao quyền tự chủ trong chi tiêu khoa học… Đề nghị quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, trình độ công nhận kỹ sư trẻ tài năng; bổ sung cơ chế đãi ngộ phù hợp dành cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu nói chung, đặc biệt là người tham gia nghiên cứu cơ bản đối với lĩnh vực có tính nền tảng, lâu dài. Nghiên cứu, bổ sung thêm ưu đãi thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu tại Việt Nam. Đồng thời, cần bổ sung cơ chế ràng buộc, quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người hưởng ưu đãi, có cơ chế đánh giá hiệu quả sau khi thụ hưởng ưu đãi (có thể theo chu kỳ từ 3 - 5 năm). Qua đó, tránh tình trạng hành chính hóa; ưu đãi dàn trải; góp phần, đảm bảo tính công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ ngân sách; tạo động lực phấn đấu và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện./.
Gia Khánh