Cơ sở hạ tầng phát triển

1. Hạ tầng giao thông 

1.1. Hệ thống giao thông đường bộ 

Hệ thống mạng lưới quốc lộ gồm 4 tuyến với tổng chiều dài 153,3 km: QL 80, QL 91, QL 91C và QL N1. Trong đó QL 91 đóng vai trò là trục giao thông huyết mạch. Hệ thống đường tỉnh gồm 19 tuyến với tổng chiều dài 527,9 km. Hệ thống đường huyện, gồm 85 tuyến với tổng chiều dài 921,4 km, tỷ lệ nhựa hóa khá cao, đạt 81,9%.  Hệ thống đường xã có tổng chiều 3317,5,7 km, tỷ lệ nhựa - cứng hóa đạt 30,0%. Hệ thống đường đô thị: gồm 1.324 tuyến với tổng chiều dài 692,5 km, tỷ lệ nhựa - cứng hóa đạt 87,1%. Trong đó tập trung chủ yếu ở TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc.

1.2. Hệ thống giao thông đường thủy 

An Giang còn có hệ thống giao thông đường thủy nội bộ rất phát triển góp phần chia sẻ khối lượng vận chuyển hành khách và luân chuyển hàng hóa với hệ thống giao thông đường bộ. Hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh gồm 319 tuyến với tổng chiều dài 2.702,8 km, trong đó: 18 tuyến do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 364,6 km; 22 tuyến do tỉnh quản lý với tổng chiều dài 512,3 km; 278 tuyến do huyện quản lý với tổng chiều dài 1.822,9 km; 01 tuyến đường thủy chuyên dùng với chiều dài 2,9 km.

Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy trên địa bàn tỉnh có tiềm năng và lợi thế phát triển rất lớn. Vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa và 40% khối lượng vận chuyển hành khách (vận chuyển hành khách ngang sông và phục vụ du lịch). Khả năng kết nối giữa hệ thống giao thông thủy và hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh là khá tốt do các tuyến giao thông đường bộ chủ yếu phân bố dọc theo các tuyến sông, kênh đảm bảo vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất ra các điểm tập kết trên các tuyến sông, kênh chính. Vận chuyển hàng hóa liên tỉnh và liên huyện cũng chủ yếu bằng đường thủy. Bên cạnh những lợi thế phát triển như vậy, mạng lưới đường thủy hiện đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi logistics của tỉnh, vận chuyển hàng hóa từ vùng nguyên liệu đến các nhà máy chế biến hoặc các điểm tập kết lớn trên các tuyến sông, kênh chính. 

Về kết nối đường thủy liên tỉnh trong vùng ĐBSCL, các tuyến vận tải thủy nội địa kết nối giữa An Giang và tỉnh, thành phố trong vùng gồm các tuyến hành lang chính sau: (1) Sông Tiền: Cửa Tiểu - Bến Tre - Tiền Giang - Đồng Tháp - An Giang  Campuchia; (2) Sông Hậu: Cửa Định An - TP. Cần Thơ - An Giang - Campuchia; (3) Kênh Vĩnh Tế: TP.Châu Đốc - Kiên Giang; (4) Kênh Tám Ngàn: Tri Tôn - Kiên Giang và (5) Kênh Tri Tôn: Tri Tôn - Kiên Giang. Đặc biệt, hai tuyến vận tải thủy quan trọng của tỉnh là sông Tiền và sông Hậu vừa đảm nhận vận tải liên vận quốc tế, liên vùng vừa phục vụ kết nối đường thủy nội tỉnh, trong đó sông Hậu là trục giao thông thủy quan trọng nhất của tỉnh, đóng vai trò kết nối cảng biển Mỹ Thới với các cảng biển dọc sông Hậu như: cảng biển Trà Nóc, Hoàng Diệu, Cái Cúi (TP. Cần Thơ); cảng biển Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang) và hệ thống các cảng sông như: cảng Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), cảng Đại Ngãi, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). 

1.3. Hoạt động vận tải 

1.3.1. Hành lang vận tải

- Hành lang vận tải quốc tế và liên tỉnh: Hành lang vận tải đường bộ kết nối An Giang với Campuchia và các tỉnh thành lân cận thông qua các tuyến đường chính như: QL.91, QL.91C, QL.N1, …

-Hành lang vận tải đường thủy chủ yếu đi trên những tuyến sông, kênh chính do trung ương hoặc tỉnh quản lý như: Sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, kênh Vĩnh Tế, kênh Tám Ngàn, kênh Tri Tôn… 

-Hành lang vận tải nội tỉnh: Kết nối các huyện/thị trong tỉnh thông qua các tuyến đường tỉnh, đường huyện và các tuyến sông kênh do tỉnh, huyện quản lý.

1.3.2. Sản lượng vận tải

 Hiện nay, tỉnh có 2 phương thức vận tải là đường bộ và đường thủy. Khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách tăng dần theo từng năm. Năm 2020, khối lượng vận chuyển hành khách đạt 174.814 nghìn người, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 4,0% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,3%/năm; khối lượng vận chuyển hàng hóa những năm gần đây có xu hướng tăng, năm 2020 vận chuyển được 44.748 nghìn tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,8% và giai đoạn  2016 - 2020 đạt 9,0%/năm. 

Đường bộ vẫn là phương thức vận tải hành khách chủ yếu, chiếm khoảng 60% khối lượng vận chuyển hành khách, do đường bộ ngày càng phát triển và thuận tiện nên tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng tiếp. Đường thủy là phương thức vận tải hàng hóa chủ đạo chiếm 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn tỉnh.

1.4. Hệ thống công trình phục vụ vận tải 

1.4.1. Công trình phục vụ vận tải đường bộ 

Các công trình phục vụ vận tải đường bộ gồm hệ thống bến xe gồm 12 bến xe khách và 05 bến xe tải phân bố chủ yếu dọc theo các tuyến giao thông chính.

1.4.2. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa 

Hệ thống cảng nội địa bao gồm: cảng Bình Long, cảng nhà máy xi măng An Giang, cảng Công ty bê tông ly tâm An Giang, cảng Gavi (xã Tân Trung, huyện Phú Tân); Cảng Bốc xếp hàng hóa An Giang; Cảng hành khách Châu Đốc. Hệ thống cảng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển du lịch khu vực Châu Đốc, Tịnh Biên, là một trong những điểm đến của các tour du lịch trên sông Mekong và Campuchia. 

Hệ thống bến thủy nội địa: tỉnh có 573 bến thủy nội địa phân bố trên các tuyến đường thủy do Trung ương và địa phương quản lý; 09 bến phà, 142 bến khách ngang sông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn tỉnh.

1.5. Hệ thống cảng biển 

Cảng biển Mỹ Thới là cảng biển quan trọng của tỉnh, giữ vai trò tập kết hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy ra vào địa phận An Giang. Mặc dù là cảng quy mô lớn thứ 2 trong vùng ĐBSCL, tuy nhiên quy mô và năng lực khai thác là rất thấp so với các cảng biển trong cả nước. Hầu hết hàng hóa của tỉnh An Giang khi xuất khẩu phải vận chuyển lên các cảng đầu mối tại TP. HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, Cảng Mỹ Thới còn quản lý hệ thống 07 bến phao neo đậu có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng từ 3.000DWT đến 10.000 DWT; hệ thống kho bãi có thể phục vụ lưu kho lên đến 23.500 tấn và bãi đa chức năng có thể tiếp nhận 52.000 tấn hàng hóa các loại.