Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Kết quả khảo nghiệm một số giống đậu phộng mới tại An Giang

17/03/2022 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang vừa khảo nghiệm một số giống đậu phộng mới tại An Giang. Trung tâm đã xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm một số giống đậu phộng tại huyện An Phú cho kết quả khả quan.

Mục tiêu nhằm khảo nghiệm một số giống: đậu phộng đen (CNC1), đậu phộng đỏ, L14 và giống LDH.09 và 1 giống đối chứng địa phương. Qua đó đánh giá năng suất, chất lượng và tính thích nghi nhằm giới thiệu cho các hộ nông dân trên địa bàn An Giang.

Responsive image
 
Responsive image

Mô hình trồng khảo nghiệm một số giống đậu phộng tại huyện An Phú

Trung tâm đã phối hợp Phòng Kinh tế hạ tầng và Trạm khuyến nông huyện An Phú khảo sát lựa chọn điểm triển khai khảo nghiệm đậu phộng tại huyện An Phú, với diện tích 1.000m2. Từ đó, đánh giá tính thích nghi của các loại giống khảo nghiệm thông qua các chỉ tiêu nông học như: Thời gian sinh trưởng, chiều cao cây, trọng lượng trái, năng suất, sâu bệnh... Tổ chức hội thảo, đánh giá và báo cáo tổng kết.

Từ ngày 20-10-2021 tiến hành xuống giống trồng khảo nghiệm gồm giống đậu phộng Đen (CNC1), đậu phộng đỏ, L14 và giống LDH 09 và 1 giống đối chứng của địa phương. Mô hình được thực hiện tại hộ ông Hồ Thanh Trúc trên diện tích 1.000m2, tại xã Phú Hữu. Thời gian thực hiện đến ngày 30-1-2022. Mật độ sạ theo mô hình: 150 kg/ha, địa điểm tại xã Phú Hữu, huyện An Phú trên loại đất cát bơm. Thời vụ sản xuất là vụ đông xuân sớm năm 2021-2022.

Các bước tiến hành được tóm tắt theo quy trình: tổng lượng phân sử dụng trên 1 ha: 500kg phân hữu cơ +500 kg vôi + 250kg DAP + 150 kg Ure + 500kg NPK(20-20-15). Giai đoạn1: cây phát triển được 7 ngày sau khảo sát tiến hành, tỉa dặm và xem xét tình hình sâu bệnh để áp dụng biện pháp phòng  trừ. Giai đoạn 2: cây phát triển được 10-15 ngày sau khảo sát tiến hành bón thúc lần 1 (65kg Ure, 150kg DAP kết hợp làm cỏ và xem xét tình hình sâu bệnh để áp dụng biện pháp phòng  trừ (thời kỳ ra hoa). Giai đoạn 3: cây phát triển được 20-25 ngày sau khảo sát tiến hành bón thúc lần 2 (65kg Ure, 150kg DAP kết hợp xem xét tình hình sâu bệnh để áp dụng biện pháp phòng  trừ (thời kỳ ra hoa). Giai đoạn 4: cây phát triển được khoảng 30-40 ngày sau khảo sát tiến hành bón thúc lần 3 (250kg NPK) và xem xét tình hình sâu bệnh để áp dụng biện pháp phòng  trừ (thời kỳ thư đài đâm vào đất). Giai đoạn 5: cây phát triển được  50-60 ngày sau khảo sát tiến hành tiến hành bón thúc lần 4 và phun các loại thuốc dưỡng (Humix, Kali...) và kết hợp với việc xem xét tình hình sâu bệnh để áp dụng biện pháp phòng  trừ (thời kỳ tạo trái non).  

Thời điểm thu hoạch: cây phát triển được 90-95 ngày sau khảo sát  trái già đạt 75-80% tổng số trái trên cây lúc đó lá gốc và lá giữa chuyển sang màu vàng và rụng, võ trái mỏng, sậm màu, gân nổi rõ thì trái đạt chuẩn thu hoạch, nếu để lâu trái quá già sẽ nẩy mầm trên cây trước khi thu hoạch.

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ An Giang cho biết: Hiệu quả kinh tế mô hình khảo nghiệm giống đậu phộng trên 1ha cho thấy: đối với đậu phộng đen tổng chi 8,218 triệu đồng, tổng thu 20,120 triệu đồng, năng sất tổng 1006 kg/1.000m2, giá bán 20.000 đồng/kg; lợi nhuận 11,902 triệu đồng. Giống đậu phộng đỏ năng suất 900 kg/1.000m2, lợi nhuận 10 triệu đồng. Giống LDH.09, thu chi, năng suất và lợi nhuận bằng với giống đậu phộng đỏ. Giống L14 năng suất 880 kg/1.000m2, lợi nhuận 9,760 triệu đồng. Giống đối chứng năng suất 780 kg/1.000m2, lợi nhuận 8,060 triệu đồng.

Qua kết quả khảo nghiệm một số giống đậu phộng tại xã Phú Hữu bước đầu cho ta thấy cây chống chịu được một số bệnh như: bệnh thối đốm lá, bệnh héo xanh vi khuẩn... và thích nghi với điều kiện đất đai khí hậu của địa phương. Trong vụ đông xuân 2021-2022 giống có năng suất cao nhất là giống đậu phộng đen đạt 10,8 tấn/ha (đậu tươi) cao hơn đối chứng 3 tấn/ha, giống có năng suất cao thứ 2 là giống đậu phộng đỏ, LDH.09 và L14 đạt từ 8,8-9 tấn/ha cao hơn giống đối chứng từ 1-1,2 tấn/ha.

Trong vụ hè thu 2022 (từ tháng 5 đến tháng 8) Trung tâm tiếp tục khảo nghiệm các giống đậu phộng đen, đậu phộng đỏ, LDH.09 và L14 để đánh giá tính thích nghị với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương làm cơ sở khuyến cáo cho nông dân ứng dụng giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho bà con nông dân./.

Hạnh Châu


Các tin khác

c67047e6-1406-4fb0-8c1d-d5023e839d54

Kết quả khảo nghiệm một số giống đậu phộng mới tại An Giang

2022/03/17/duphong.jpg