Chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 7 năm 2024

Chính sách pháp luật có hiệu lực trong tháng 7 năm 2024

Ngày đăng: 27/06/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Trong tháng 7 năm 2024, các chính sách, pháp luật nổi bật liên quan đến việc cấp đổi thẻ căn cước, thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, việc chuyển khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực bằng khuôn mặt và đặc biệt là những hướng dẫn mới về quyền ly hôn của chồng khi vợ đang có thai hoặc sinh con bắt đầu có hiệu lực trong thời gian này. Cụ thể như sau:

Ảnh minh hoạ

1. Cấp thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024

Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, theo đó sẽ cấp thẻ căn cước cho công dân Việt Nam.

Đối với Thẻ căn cước công dân đã được cấp có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước theo Luật Căn cước năm 2023.

Đối với Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

2. Chính thức thành lập lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức được thành lập theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

3. Thay đổi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá từ ngày 01/7/2024

Luật Giá năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 có thay đổi danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như sau:

Đối với Muối ăn và điện không còn nằm trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nữa.

Phân DAP và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản là những hàng hóa được thêm mới vào danh mục bình ổn giá.

4. Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực từ 01/7/2024

Ngày 31/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, Nghị định số 80/2016/NĐ-CP. 

Nghị định này được xem là văn bản pháp lý quan trọng về thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.

Theo Nghị định quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị đóng, phong tỏa tài khoản thanh toán. Đồng thời, bổ sung quy định quan trọng về tiền điện tử. Việc hoàn thiện quy định pháp lý cho tiền điện tử sẽ góp phần ngăn ngừa, loại trừ các phương tiện thanh toán không hợp pháp do các tổ chức không được phép phát hành, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử.

5. Từ ngày 01/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt

Đó là một trong những nội dung trong Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành  triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, từ ngày 01/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt vân tay, cụ thể như sau:

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Nếu chuyển tiền trên 10 triệu đồng thì bắt buộc phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Ví dụ, trong ngày 12/7/2024, ông A chuyển tiền lần 1 là 5 triệu đồng, chuyển tiền lần 2 là 10 triệu đồng, chuyển tiền lần 3 là 6 triệu đồng thì đến lần chuyển tiền thứ 4 ông phải xác thực khuôn mặt, vân tay cho dù lần thứ 4 ông có chuyển khoản bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

6. Hướng dẫn mới về quyền ly hôn của chồng khi vợ đang có thai hoặc sinh con

Ngày 16/5/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Theo đó, hướng dẫn một số nội dung về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

(1) “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là khoảng thời gian vợ mang trong mình bảo thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.

(2) “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ (2.1) Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
+ (2.2) Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
+ (2.3) Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.

(3) Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hoặc ngày đình chỉ thai nghén theo hướng dẫn trên.

(4) Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

(5) Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.

(6) Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:

- Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

- Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hỗn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi./.

Bích Ngọc (Tổng hợp)

 

Danh mục