An Giang chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

An Giang chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất

Ngày đăng: 26/07/2024

Xem với cở chữ : A- A A+
(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Hiện nay đang trong mùa mưa, lũ với diễn biến còn phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lớn, dông lốc, sét, lũ, sạt lở đất là rất cao. Để chủ động ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ, sạt lở gây ra trong thời gian tới, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh là thành viên Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 877/UBND-KTN ngày 03/7/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp ở địa phương; Công văn số 901/UBND-KTN ngày 09/7/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 và Công văn số 51/BCH-PCTT ngày 16/7/2024 của Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh về việc triển khai công tác ứng phó mưa, dông, lốc, sét sau áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tăng cường theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn về diễn biến thông tin cảnh báo mưa, dông, lũ, sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, nhằm kịp thời thông tin, tuyên truyền đến các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình của địa phương; Tổ chức lực lượng địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các tiểu vùng sản xuất, các tuyến đê bao, bờ bao, cống bọng trong mùa mưa lũ, sớm phát hiện để có hướng xử lý kịp thời.

Rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của từng địa phương (trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do mưa, lũ, dông lốc, sạt lở đất).

Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân./.

Nguồn: CV 1005/UBND-KTN ngày 25/7/2024
Nguyễn Nhậm

 

Danh mục