Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang 6 tháng năm 2022

29/06/2022 |

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong hai năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của người dân. Từ những tháng đầu năm 2022 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, xã hội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh dần khôi phục và phát triển, cuộc sống chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022 giá cả nhiều mặt hàng tăng cao và có xu hướng sẽ tiếp tục tăng như: xăng, dầu, sắt thép, vật tư nông nghiệp, … làm cho chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tăng, sản xuất kinh doanh chưa như kỳ vọng, việc làm và thu nhập của người lao động chưa thật sự ổn định, trong khi giá các nhóm mặt hàng thiết yếu đều tăng mạnh, chi phí sinh hoạt tăng khiến cho đời sống của người dân gặp khó khăn.

Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ triển khai gói hỗ trợ kinh tế quy mô 350 ngàn tỷ đồng gồm gồm: miễn giảm thuế; tăng chi đầu tư phát triển; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; phòng chống dịch Covid-19; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển sản xuất, đời sống của người dân lao động được cải thiện. Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực phục hồi và tăng trưởng.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 4,98% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,79%). Trong mức tăng chung thì khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,51% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,69%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,64% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,31%); khu vực dịch vụ tăng 6,10% (cùng kỳ 5,02%); thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 4,14% so cùng kỳ.

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản có mức tăng cao 6,83% (cùng kỳ là 1,22%) với sản lượng thu hoạch đạt 232 ngàn tấn, tăng 7,86% (+16,9 ngàn tấn) so cùng kỳ.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng: Ngành công nghiệp ước 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn 83,7%, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng khu vực này với mức tăng 9,24%, ngành sản xuất và phân phối điện cũng có mức tăng cao 9,08 % nhưng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 8,41%. Ngành xây dựng tăng 5,15%, so cùng kỳ.

- Khu vực dịch vụ ước 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng khá, phần lớn các ngành dịch vụ đều có mức tăng cao hơn cùng kỳ, khi sức mua tăng và nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,71% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,81%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,15%; ngành hoạt động dịch vụ khác có mức tăng 4,26% so cùng kỳ.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 32,66% (cùng kỳ 33,95%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 15,45% (cùng kỳ 14,53%); khu vực dịch vụ chiếm 47,79% (cùng kỳ 47,39%); thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm chiếm 4,10%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 47.330 tỷ đồng (giá hiện hành), trong GRDP: giá trị tăng thêm (VA) các ngành kinh tế ước đạt 45.389 tỷ đồng, chiếm 95,9% trong GRDP; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm đạt 1.940 tỷ đồng, chiếm 4,1% trong GRDP. Tổng sản phẩm trên địa bàn (giá so sánh 2010) đạt 27.391 tỷ đồng, tăng 4,98% so cùng kỳ, trong đó VA các ngành kinh tế đạt 26.248 tỷ đồng, tăng 5,02% so cùng kỳ; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm đạt 1.144 tỷ đồng, tăng 4,14% so cùng kỳ.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

Trong kỳ sản xuất, các ngành chức năng thường xuyên thăm đồng để có những dự báo sâu bệnh chính xác và kịp thời, tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng KHKT. Tuy nhiên, do giai đoạn lúa sinh trưởng và làm đòng thời tiết ít lạnh và thời gian lạnh không kéo dài như vụ Đông Xuân năm trước, lượng mưa nhiều làm cho lúa đổ ngã và gây thất thoát trong giai đoạn thu hoạch, đồng thời do giá phân bón tăng cao nên nông dân hạn chế sử dụng và diện tích lúa bị nhiễm muỗi hành phát sinh tăng làm cho tổng diện tích nhiễm sâu bệnh tăng đáng kể. Chăn nuôi đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng mạnh, giá cá tra tăng cao (29,5-31,5 ngàn đồng/kg) sau thời gian dài ở mức thấp.

a) Nông nghiệp

-Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm 6 tháng 2022 được 250,7 ngàn ha lúa và hoa màu, bằng 99,15% hay giảm 2.154 ha so cùng kỳ. Chia ra:

Cây lúa: Diện tích gieo trồng được gần 233,4 ngàn ha, bằng 99,36% hay giảm 1.507 ha so cùng kỳ, gồm: Vụ Đông Xuân (2021-2022) thực hiện xuống giống cây lúa được 229,8 ngàn ha, bằng 99,73% hay giảm 619 ha; vụ Mùa (2021-2022) xuống giống được 3.643 ha, giảm 888 ha. Về năng suất thu hoạch bình quân chung đạt 72,91 tạ/ha (-3,38 tạ/ha) so cùng kỳ, cụ thể: Vụ Đông Xuân (2021-2022 đạt 73,37 tạ/ha, bằng 95,41% hay giảm 3,53 tạ/ha; Vụ Mùa (2021-2022) đạt 41,6 tạ/ha, bằng 92,0% hay giảm 3,62 tạ/ha. Sản lượng 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 1,701 triệu tấn, giảm 91,2 ngàn tấn so cùng kỳ, gồm: vụ Đông Xuân đạt gần 1,686 triệu tấn, giảm gần 85,9 ngàn tấn (trong đó, yếu tố diện tích làm giảm 4,5 ngàn tấn và yếu tố năng suất làm giảm gần 81,4 ngàn tấn); vụ Mùa thu hoạch được 15,2 ngàn tấn, giảm 5,3 ngàn tấn (trong đó, yếu tố diện tích làm sản lượng giảm 4 ngàn tấn và yếu tố năng suất làm sản lượng giảm 1,3 ngàn tấn).

Giá cả: Tình hình tiêu thụ lúa tươi trong những tháng đầu năm không thật sự ổn định và luôn dao động ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước, giá bán các giống lúa OM dao động từ 5.700-5.800 đồng/kg, giảm từ 1.100-1.200 đồng/kg so cùng kỳ; lúa IR50404 dao động từ 5.500-5.800 đồng/kg, giảm 1.100 đồng/kg; Đài thơm 8 có giá bán 5.800-6.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; nếp tươi động từ 5.300-5.500 đồng/kg, giảm từ 500 đồng/kg so cùng kỳ.

Hoa màu: Toàn tỉnh đã thực hiện gieo trồng 17.267 ha, bằng 96,38% hay giảm 648 ha so vụ Đông Xuân năm trước. Nguyên nhân do chuyển sang trồng lúa 299 ha, chuyển sang cây lâu năm 445 ha và giảm diện tích trồng xen trong cây lâu năm do đã khép tán là 317 ha, đồng thời do chuyển từ diện tích lúa sang màu 229 ha, diện tích trồng xen trong cây lâu năm 47 ha và sản xuất lại những tiểu vùng do năm trước lơi vụ là 136 ha. Năng suất các loại hoa màu của các địa phương tương đối ổn định, tuy nhiên do thay đổi cơ cấu diện tích gieo trồng giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các loại cây trong cùng nhóm cây nên một số loại cây và nhóm cây trồng có năng suất tăng hoặc giảm đột biến so vụ Đông Xuân năm trước. Sản lượng thu hoạch của một số loại hoa màu chủ lực như sau: Bắp đạt gần 15,2 ngàn tấn, tăng 843 tấn; khoai môn gần 4,3 ngàn tấn, giảm 3.465 tấn; rau dưa các loại gần 228 ngàn tấn, giảm 21,6 ngàn tấn; cây gia vị (ớt cay) 13,5 ngàn tấn, giảm 8,4 ngàn tấn so cùng kỳ;…

- Cây lâu năm: 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thực hiện trồng mới khoảng 418 ha, qua đó nâng diện tích cây lâu năm toàn tỉnh hiện có gần 21 ngàn ha, bằng 105,96% hay tăng 1.178 ha so thời điểm 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, diện tích cho sản phẩm gần 15 ngàn ha (chiếm 71,43% DT cây lâu năm hiện có), bằng 109,55% hay tăng 1,3 ngàn ha so với cùng kỳ. Ước tính tổng sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm trong 6 tháng đầu năm khoảng 145,4 ngàn tấn, tăng 10,02% (tăng 13,2 ngàn tấn).

- Chăn nuôi: Có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế hấp dẫn, đồng thời một số hộ nuôi tập trung với quy mô lớn. Đàn trâu, bò ước tính khoảng 70,8 ngàn con, bằng 102,24% (+1.550 con) so cùng kỳ, trong đó, đàn bò 68,5 ngàn con (chiếm 96,82%), bằng 102,39% (+1.600 con) so cùng kỳ; sản lượng thịt hơi trâu, bò xuất chuồng  hơn 4,1 ngàn tấn, bằng 112,35% (+452 tấn) so cùng kỳ. Đàn heo toàn tỉnh có hơn 89,1 ngàn con, bằng 104,94% (tăng 4,2 ngàn con) so cùng kỳ; sản lượng thịt heo gần 8,2 ngàn tấn, tăng 18,84% (+1,3 ngàn tấn) so cùng kỳ, trong đó: Các doanh nghiệp có sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 3,2 ngàn tấn (chiếm 39,02% tổng sản lượng thịt heo), tăng gấp 4,57 lần so cùng kỳ. Đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có hơn 5,2 triệu con, bằng 104,1% (+ 204 ngàn con) so cùng kỳ, trong đó: Đàn vịt hơn 3,9 triệu con, bằng 101,68% (+64 ngàn con), đàn gà hiện có hơn 1,2 triệu con, bằng  118,2% (+192 ngàn con); sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng khoảng 5 ngàn tấn, bằng 105,26% (+248 tấn) so cùng kỳ, sản lượng trứng các loại gia cầm thu hoạch trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 201 triệu quả, bằng 103,16%, tăng gần 6,2 triệu quả.

b) Thủy sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản tương đối thuận lợi, giá bán cá tra nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao (hiện dao động từ 29,5-31,5 ngàn đồng/kg, tăng 10 ngàn đồng/kg so cùng kỳ). Ước sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 238,5 ngàn tấn, tăng 7,56% (+16,75 ngàn tấn), trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 232 ngàn tấn, tăng 7,86% (+16,9 ngàn tấn) so cùng kỳ; sản lượng khai thác đạt 6,5 ngàn tấn (-155 tấn) so cùng kỳ. Tình hình nuôi trồng thủy sản như sau: Sản lượng cá tra thu hoạch khoảng 196 ngàn tấn, bằng 108,83% hay tăng 15,9 ngàn tấn; sản lượng cá lóc thu hoạch khoảng 7,1 ngàn tấn, bằng 104,93% hay tăng 333 tấn so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch của cá rô phi đỏ-đen ước đạt gần 20,9 ngàn tấn, bằng 102,48%, tăng 504 tấn so cùng kỳ; các loại cá nuôi khác (he, mè vinh, chép, chim trắng,…) sản lượng thu hoạch đạt khoảng 5,8 ngàn tấn, bằng 105,85% hay tăng 320 tấn so cùng kỳ; các loại thủy sản khác (lươn, ếch, ba ba,…) sản lượng thu hoạch khoảng 93 tấn, bằng 100,93%, tăng 0,86 tấn so cùng kỳ; sản phẩm giống thủy sản: Cùng với việc giá bán cá tra thương phẩm tăng cao, nhu cầu con giống luôn luôn ổn định (tiêu thụ trong và ngoài tỉnh) nên số lượng con giống cá tra sản xuất trong 6 tháng đầu năm khoảng 1.004 triệu con, bằng 110,33%, tăng 94 triệu con so cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm trên địa bàn tiếp tục khởi sắc, các doanh nghiệp đã thích ứng trong tình hình mới khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực như thủy sản, gạo, may mặc, giày dép,... thuận lợi về thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nên sản lượng tăng khá.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 8,03% so cùng kỳ, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 3,12%; ngành công nghiệp chế biến tăng 8,88%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,90%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải tăng 5,09%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng năm 2022: Sản lượng đá xây dựng khai thác đạt 3.165 ngàn m3, giảm 3,12% so với cùng kỳ; Sản phẩm thủy sản đông lạnh đạt 74,24 ngàn tấn, tăng 15,84% so với cùng kỳ; sản lượng gạo xay xát đạt 910 ngàn tấn, tăng 13,82% so với cùng kỳ; sản phẩm quần áo sơ mi, đạt 22,39 triệu cái, tăng 17,91% so cùng kỳ; sản phẩm giày, dép da đạt 19,57 triệu đôi, tăng 13,26% so cùng kỳ; sản xuất điện năng lượng mặt trời ước đạt 291 triệu kwh, tăng 14,24% so cùng kỳ; sản phẩm nước sinh hoạt đạt 44,57 triệu m3 tăng 2,68% so cùng kỳ; sản phẩm thuốc trừ sâu trong nông nghiệp đạt 9.352 tấn, tăng 67,30% so cùng kỳ.

4. Hoạt động doanh nghiệp

- So cùng kỳ năm trước: Tổng số doanh nghiệp thành lập mới đầu năm đến ngày 15/6/2022 là 465 doanh nghiệp, tăng 31% với tổng vốn đăng ký khoảng 3.326 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại 195 doanh nghiệp, tăng 34,48%. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 256 doanh nghiệp, tăng 26,73%. Số doanh nghiệp chuyển đổi loại hình là 38 doanh nghiệp, tăng 46,15%. Số doanh nghiệp đã giải thể là 77 doanh nghiệp, tăng 32,76%.

- Dự báo tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh: Quý hiện tại so với quý trước có 45,16% số doanh nghiệp cho rằng tốt hơn, 27,42% số doanh nghiệp cho rằng giữ nguyên, 27,42% cho rằng khó khăn. Quý tiếp theo so với quý hiện tại có 50,00% số doanh nghiệp cho rằng sẽ tốt hơn, 35,48% cho rằng vẫn giữ nguyên, 14,52% số doanh nghiệp cho rằng sẽ khó khăn hơn.

- Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo xu hướng về chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm ngành chế biến chế tạo: Quý hiện tại so với quý trước tăng lên là 54,84%, giữ nguyên là 43,55%, giảm đi là 1,61%. Quý tiếp theo so với quý hiện tại tăng lên là 38,71%, giữ nguyên là 54,84%, giảm đi là 6,45%.

5. Thương mại và dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 47.012 tỷ đồng, tăng 10,28% so cùng kỳ năm trước. Chia ra:

+ Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước 6 tháng 2022 đạt 32.953 tỷ đồng, tăng 9,85% so cùng kỳ, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,49%; hàng may mặc tăng 8,38%; đồ dùng gia đình tăng 9,37%; vật liệu xây dựng tăng 8,85%; bán lẻ xăng dầu tăng 18,07%...;

+ Doanh thu các ngành dịch vụ: Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tích cực phục vụ nhu cầu khách tham quan trong và sau dịp Tết cổ truyền, đã thu hút lượng khách lớn về tham quan các Khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như: Khu du lịch Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn, Khu du lịch điện năng lượng mặt trời An Hảo,... Ước 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón tổng số 5,2 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 60% so cùng kỳ, từ đó kéo theo các dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí,… tăng cao. Trong dịp Tết cổ truyền bên cạnh lượng khách đột biến, các khu du lịch tăng giá vé tham quan so ngày thường 15%-30% góp phần làm tăng doanh thu. Ước doanh thu các ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 đạt 14.059 tỷ đồng, tăng 11,31% so cùng kỳ, trong đó: doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 8.680 tỷ đồng, tăng 11,98% so cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 5.379 tỷ đồng, tăng 10,25% so cùng kỳ.

- Vận tải hành khách, hàng hóa: Kinh tế của tỉnh phục hồi, giao thương thông suốt, các doanh nghiệp, cơ sở cá thể kinh doanh vận tải đã đi vào hoạt động ổn định và phát triển, khối lượng vận chuyển, khối lượng luân chuyển tăng cao so cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động vận tải và kho bãi 6 tháng đầu năm ước đạt 3.126 tỷ đồng, tăng 13,02% so cùng kỳ. Chia ra: Hoạt động vận tải hành khách đạt 1.140 tỷ đồng, tăng 17,00% so cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hành khách 102 triệu lượt hành khách, tăng 14,25% và luân chuyển đạt 1.327 triệu lượt hành khách.km, tăng 17,06% so cùng kỳ. Hoạt động vận tải hàng hóa đạt 1.844 tỷ đồng, tăng 10,91% so cùng kỳ; sản lượng vận chuyển đạt 26 triệu tấn hàng hóa, tăng 10,92% so cùng kỳ và sản lượng luân chuyển đạt 2.056 triệu tấn hàng hóa.km, tăng 11,60%so cùng kỳ. Ước tổng doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 6 tháng đầu năm đạt 142 tỷ đồng, tăng 10,07% so cùng kỳ.

- Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 659,2 triệu USD, tăng 9,90% so cùng kỳ, trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 564,20 triệu USD, tăng 9,58% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 95,00 triệu USD, tăng 11,83% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:

+ Gạo: Ước tổng kim ngạch xuất khẩu gạo trong 6 tháng 2022 đạt 286,35 nghìn tấn, tương đương 154,44 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 8,35% về sản lượng và tăng 8,86% về kim ngạch. Về thị trường, mặt hàng gạo xuất khẩu qua 39 nước, chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á 79,37%, tỷ trọng còn lại xuất khẩu qua 8 nước Châu Âu, 11 nước Châu Phi, 3 nước Châu Mỹ và 4 nước Châu Đại Dương. Ước giá xuất khẩu gạo bình quân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 539,33 USD/tấn, tăng 2,55 USD/tấn so cùng kỳ;

+ Thủy sản đông lạnh: Ước sản lượng xuất 6 tháng đầu năm 2022 đạt 66,5 nghìn tấn, tương đương 161,69 triệu USD về kim ngạch; so cùng kỳ tăng 8,95% về sản lượng và tăng 9,5% về kim ngạch. Về thị trường, mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua 73 nước, chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á 53,05%,  tỷ trọng còn lại xuất khẩu qua 20 nước Châu Âu, 16 nước Châu Mỹ, 3 nước Châu Đại Dương và 6 nước Châu Phi. Ước giá xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 2.431,41 USD/tấn, tăng 12,22 USD/ tấn, nguyên nhân tăng là do thời gian gần đây giá cá tra nguyên liệu tăng và chi phí vận chuyển tăng;

+ Rau quả đông lạnh: Ước kim ngạch xuất khẩu rau quả đông lạnh 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5,09 nghìn tấn, tương đương 8,69 triệu USD; so cùng kỳ tăng 8,48% về sản lượng và tăng 8,68% về kim ngạch;

+ Hàng may mặc (quần áo, balô, túi xách…): Ước xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 74,34 triệu USD, tăng 8,20% so cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu ba lô, túi xách,.. đạt 18,11 triệu USD, tăng 6,23% so cùng kỳ; quần áo các loại xuất khẩu đạt 56,23 triệu USD, tăng 8,85% so cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc vẫn tiếp tục tăng trưởng ở thị trường Mỹ;

+ Hàng giày dép: Ước tổng kim ngạch xuất khẩu hàng giày dép 6 tháng đầu năm 2022 đạt 15,41 triệu USD tăng 10,23% so cùng kỳ

+ Ngoài ra vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu khác trong 6 tháng 2022 có kim ngạch xuất khẩu khá như: Phân bón các loại: 12,44 triệu USD; sắt thép: 3 triệu USD; thuốc lá gói: 7,38 triệu USD; thuốc sâu các loại: 6,76 triệu USD;… và các loại hàng hóa khác kim ngạch xuất khẩu đạt 57,4 triệu USD.

6. Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

- Thu, chi ngân sách: Công tác thu chi, điều hành, quản lý ngân sách được đảm bảo và kịp thời,  thực hiện nghiêm túc chủ trương, hạn chế bổ sung nhiệm vụ chi ngoài dự toán, đảm bảo sử dụng dự phòng ngân sách đúng mục đích, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ chi theo dự toán đã được bố trí, đảm bảo đúng chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức theo quy định.

 Tổng thu từ kinh tế địa bàn ước thực hiện là 3.989 tỷ đồng, đạt 64,52% dự toán, bằng 82,51% so với cùng kỳ năm. Chia ra: Thu từ hoạt động nhập khẩu 257 tỷ đồng đạt 111,8% dự toán, bằng 160,24% so cùng kỳ năm trước; thu nội địa: 3.732 tỷ đồng đạt 62,69% dự toán năm, bằng 79,84% so cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương là: 5.788 tỷ đồng, đạt 36,12% dự toán năm, bằng 116,48% so với cùng kỳ. Bao gồm: Chi đầu tư phát triển 989 tỷ đồng, đạt 18,78% dự toán, bằng 141,1 % so cùng kỳ, chủ yếu là chi đầu tư xây dựng cơ bản; chi thường xuyên: 4.798 tỷ đồng, đạt 46,54% dự toán, bằng 112,41% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Sự nghiệp kinh tế: 326 tỷ đồng, bằng 82,68% so cùng kỳ; sự nghiệp giáo dục và đào tạo: 1.866 tỷ đồng, bằng 107,99% cùng kỳ; sự nghiệp y tế: 438 tỷ đồng, bằng 107,99% so cùng kỳ; quản lý hành chính: 854 tỷ đồng, bằng 97,88% so cùng kỳ; an ninh, quốc phòng: 246 tỷ đồng, bằng 124,02% so cùng kỳ; chi dảm bảo xã hội: 701 tỷ đồng, gấp 7,32 lần so cùng kỳ…

- Hoạt động ngân hàng:

Hoạt động huy động vốn: Tổng số dư vốn huy động ước thực hiện đến cuối tháng 6/2022 là 62.094 tỷ đồng, so cuối năm 2021 tăng 6,24%, trong đó huy động trên 12 tháng 20.242 tỷ đồng, chiếm 32,59%/tổng số dư vốn huy động.

Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ ước thực hiện đến cuối tháng 6/2022 là 97.377 tỷ đồng, so với cuối năm 2021 tăng 6,28%. Trong đó, dư nợ ngắn hạn là 74.582 tỷ đồng chiếm 76,59%; dư nợ trung, dài hạn là 22.795 tỷ đồng chiếm 23,41%.

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng đối với lĩnh vực như sau: Cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo: Dư nợ đến cuối tháng 5/2022 là 10.299 tỷ đồng, tăng 2,84% so với cuối năm 2021; Cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thuỷ sản xuất khẩu: Dư nợ đến cuối tháng 5/2022 là 12.741 tỷ đồng, tăng 11,93% so với cuối năm 2021; Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ: Đến cuối tháng 5/2022, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh An Giang đã có dư nợ 213,79 tỷ đồng; Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013: Đến cuối tháng 5/2022, dư nợ là 67 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là 355 khách hàng. Trong đó, tập trung một số máy móc cơ giới hóa chủ yếu như: Máy kéo, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, máy thu hoạch lúa…; Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ: Đến cuối tháng 5/2022 các TCTD trên địa bàn đã giải ngân đầu tư với tổng dư nợ là 251 tỷ đồng, với tổng số hộ vay là 568 khách hàng.

7. Đầu tư và xây dựng

Từ đầu năm, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho các công trình đầu tư công, dự án phục vụ sản xuất kinh doanh đẩy nhanh tiến độ, công trình nhà ở trong dân cư tiếp tục được xây mới, sửa chữa. Ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 7.579 tỷ đồng, tăng 11,10% so cùng kỳ. Chia ra:

- Vốn ngân sách Nhà nước đạt gần 3.849 tỷ đồng (chiếm 50,78%), tăng 16,18%, trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương đạt 514 tỷ đồng, tăng 11,15% và ngân sách địa phương đạt 3.335 tỷ đồng, tăng 17,0% so cùng kỳ;

- Vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 3.709 tỷ đồng (chiếm 48,94%), tăng 6,79%), trong đó: Vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp đạt 704 tỷ đồng, giảm 6,08% và vốn đầu tư từ hộ gia đình đạt 3.005 tỷ đồng, tăng 20,56% so cùng kỳ;

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 21 tỷ đồng (chiếm 0,28%), giảm 40% hay giảm 14 tỷ đồng so cùng kỳ.

Một số công trình đã triển khai thực hiện trong 6 tháng đầu năm: Nhà máy chế biến gạo Hạnh Phúc do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đầu tư với kinh phí 990 tỷ đồng; Nhà hát tỉnh An Giang 8,8 tỷ đồng; Trường Chính trị Tôn Đức Thắng 798 triệu đồng; Bệnh viện Sản nhi tỉnh An Giang (giai đoạn 2-khối 200 giường) 4,8 tỷ đồng; Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh An Giang 680 triệu đồng; hồ bơi 50m thành phố Long Xuyên - Hạng mục bổ sung Mái che hồ bơi 50m là 346 triệu đồng; Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh An Giang 4,2 tỷ đồng; Nhà tập luyện và nhà ở vận động viên thể thao tỉnh An Giang 340 triệu đồng;.v.v

Một số công trình khởi công, chuẩn bị đầu tư có quy mô lớn trong năm 2022 như: Nhà máy thuốc tiêm truyền do Công ty Cổ phần Dược phẩm  AGIEXPHARM làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 239 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giày dép và túi xách xuất khẩu do Công ty Cổ phần TBS An Giang đầu tư với kinh phí gần 1.724 tỷ đồng; nhà máy chế biến thức ăn thủy sản do Công ty CP XNK Thủy sản An Mỹ làm chủ đầu tư với kinh phí 500 tỷ đồng; các khu dân cư như Bình Khánh 5, Xuân Thịnh, Nam Trà Ôn do Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 2.934 tỷ đồng;…

8. Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2022 tăng 0,43% so tháng trước; tăng 3,31% so với tháng 12 năm trước; tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,67% so với bình quân 6 tháng năm 2021.

- Nhóm hàng hóa dịch vụ so tháng trước, có 8 nhóm tăng: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,53%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; giao thông tăng 4,11%; giáo dục tăng 0,15%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,83%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Bên cạnh những nhóm hàng tăng giá vẫn có nhóm hàng giảm giá: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,66%; bưu chính viễn thông giảm 0,23%. Riêng nhóm may mặc, mũ nón, giày dép ổn định.

- So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2022 tăng 4,5%, trong 11 nhóm hàng chính có 10 nhóm tăng giá và 01 nhóm giảm giá. Nhóm giao thông tăng cao nhất 27,71% so với tháng 6/2021, chủ yếu do giá xăng dầu điều chỉnh tăng cụ thể: giá xăng A95 tăng bình quân 12.114 đồng/lít hay tăng 59,88%; giá xăng E5 tăng bình quân 11.857 đồng/lít hay tăng 62,05%; giá dầu diezen tăng bình quân 12.866 đồng/lít, hay tăng 83,09%. Nhóm giá nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 5,03%, chủ yếu tăng giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 10,71%, nguyên nhân giá xăng dầu tăng cao làm tăng chi phí vận chuyển.

- So với tháng 12/2021, CPI tháng 6/2022 tăng 3,31%, trong đó 11 nhóm hàng tăng giá, vẫn là nhóm giao thông tăng cao nhất 18,04%, do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu cụ thể: giá xăng A95 tăng bình quân 8.893 đồng/lít hay tăng 37,92%; giá xăng E5 tăng bình quân 8.327 đồng/lít hay tăng 36,78%; giá dầu diezen tăng bình quân 10.434 đồng/lít hay tăng 58,24%. Nhóm giáo dục tăng 3,53%, nguyên nhân do các trường công lập thu học phí trở lại bắt đầu từ tháng 3/2022.

- Chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,49% so với tháng trước; tăng 4,42% so với tháng 12/2021 và tăng 2,63% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,36% so bình quân 6 tháng năm 2021.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2022 tăng 0,82% so với tháng trước; tăng 1,59% so với tháng 12/2021 và tăng 1,02% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,35% so bình quân 6 tháng năm 2021.

II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI

  1. Đời sống dân cư, an sinh xã hội

Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương trên địa bàn tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2022 cơ bản ổn định so cùng kỳ năm 2021. Với mức thu nhập cơ bản đảm nhu cầu thiết yếu nhưng chưa có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần (nhất là ở cấp xã). Riêng đối với khu vực doanh nghiệp, do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, hiện mới quay lại sản xuất nên thu thập giảm, người lao động gặp không ít khó khăn (mức thu nhập công nhân may quần áo, túi xách, da giày bình quân khoảng 5,5 - 6,4 triệu đồng/người/tháng; công nhân đông lạnh thủy sản có thu nhập cao hơn khoảng 6,5 - 7,0 triệu đồng/người/tháng (tùy theo tăng ca, tăng giờ làm); xây dựng từ 6,7 - 9,6 triệu đồng/người/tháng. Người dân nông thôn sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, thủy sản về quy mô sản xuất không bị ảnh hưởng nhưng giá bán nông sản không ổn định, hiện tại giá lúa giảm so cùng kỳ, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thu nhập của người dân giảm đi, trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng và có xu hướng tiếp tục tăng, đời sống người dân gặp khó khăn.

Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người lao động, người nghèo được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện chu đáo, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, đã nhận được nhiều hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã chi trợ cấp Tết theo Quyết định của Chủ tịch nước cho hơn 13.000 người có công và thân nhân với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng; chi trợ cấp Tết theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho hơn 31.000 người có công và thân nhân với tổng số tiền gần 25 tỷ đồng; chi trợ cấp cho hơn 91.000 đối tượng hưởng bảo trợ xã hội thường xuyên với số tiền trên 305 tỷ đồng. Về lao động, việc làm: 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 7.222 người; giải quyết 13.567 trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí gần 225 tỷ đồng; đưa 107 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tư vấn việc làm cho hơn 20.594 lượt lao động; hỗ trợ 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu ở thị trường Nhật Bản).Về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho trên 1.594 doanh nghiệp, 357.958 người lao động,83 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, 16.209 hộ kinh doanh, hỗ trợ tiền ăn đối với 62.096 người là F0, F1,... Tổng kinh phí hỗ trợ trên 720 tỷ đồng.

2. Giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao

 - Giáo dục: Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đã đề ra: Tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022; hoàn thành tổ chức kỳ thi nghề phổ thông cho học sinh lớp 12 năm học 2021-2022; Tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 vào ngày 07-08/6/2022 tại 17 Hội đồng thi. Tổng số có 10.566 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó thí sinh đăng ký thi các môn chuyên là 1.496. Thí sinh tham gia dự thi đạt 99,23%. Tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trong tháng 06/2022; Tiếp tục kiểm tra ôn tập kiểm tra cuối học kỳ II năm học 2021-2022 và công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT. Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tổng số đăng ký hồ sơ là 18.657 thí sinh. Toàn tỉnh tổ chức 44 Điểm thi (tăng 04 Điểm thi so với năm 2021); Kiểm tra chuyên đề “Công tác đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 cho trẻ trong tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trực tiếp tại các cơ sở GDMN, năm học 2021-2022”; Tổ chức tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh, năm học 2021-2022;

 - Y tế: Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mạnh. Ngành y tế phối hợp các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ, nhà trẻ mầm non.

Tình hình dịch bệnh trong kỳ đã ghi nhận 2.570 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay số mắc Sốt xuất huyết là 5.050 ca, tăng 398,5% so cùng kỳ, không có tử vong; Tay-Chân-Miệng (TCM) có 532 trường hợp mắc, cộng dồn từ đầu năm có 608 ca mắc, không có tử vong; Bệnh thương hàn và phó thương hàn có 13 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay là 20 ca mắc, không tử vong; Sởi và Sốt phát ban nghi Sởi có 03 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm có 07 ca mắc. Các loại bệnh mới phát sinh như: Bệnh Chikungunya, Bệnh Zika từ đầu năm đến nay chưa có ghi nhận trường hợp nào phát sinh. Các loại bệnh tả, bệnh Viêm não virus, Cúm A (H1N1), chưa phát hiện trường hợp nào.

- Văn hóa và thể dục thể thao: Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện quan trọng của tỉnh và cả nước. Các đội tuyển thể thao tham gia thi đấu tại các giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế năm 2022, kết quả đoạt được 117 huy chương các loại (40 HCV 40 HCB 37 HCĐ), bên cạnh đó nhiều giải thể dục thể thao quần chúng đã tổ chức nhằm tạo sinh khí vui tươi, lành mạnh, thiết thực, bổ ích trong nhân dân nhân.

3. Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm có 26 trường hợp tai nạn giao thông làm chết 26 người, bị thương 02 người. Số vụ tai nạn xuất hiện ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố (huyện Tịnh Biên không có trường hợp nào), nhiều nhất ở huyện Tri Tôn có 5 vụ.

4. Thiệt hại do thiên tai

- Sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch: Lũy kế từ đầu năm đến nay, xảy ra 14 điểm sạt lở, sụt lún và răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng chiều dài là 685 m, làm ảnh hưởng đến 12 căn nhà của người dân sống trong khu vực. Ước thiệt hại về đất khoảng 876 triệu đồng.

- Thiệt hại do mưa, giông: Bắt đầu vào mùa mưa, thời tiết chuyển biến mưa lớn bất thường và kéo dài gây ảnh hưởng một một số diện tích hoa màu, nhà cửa. Trên địa bàn xảy ra 20 vụ mưa dông làm 02 người chết do sét đánh (huyện Phú Tân), bị thương là 04 người (huyện Chợ Mới 01 người và huyện Châu Phú 03 người), sập hoàn toàn 09 căn nhà, (huyện An Phú 05 căn, huyện Chợ Mới 01 căn, thị xã Tân Châu 03 căn), tốc mái, siêu vẹo 319 căn nhà. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 5.486 triệu đồng. Mặt khác mưa dông làm thiệt hại 166,2  ha lúa, hoa màu và cây ăn trái.

5. Bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ

- Trong 6 tháng  năm 2022, các ngành, các cấp đã triển khai 184 cuộc thanh, kiểm tra về tài nguyên và môi trường đối với 543 tổ chức, cá nhân. Trong đó, đất đai 49 cuộc, khoáng sản 69 cuộc, môi trường 57 cuộc, tài nguyên nước 09 cuộc. Qua kiểm tra, đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với 31 trường hợp với số tiền thu phạt nộp vào ngân sách 530,9 triệu đồng.

- Tính từ đầu năm trên địa bàn xảy ra 02 vụ cháy (trong tháng 4/2022) ở thành phố Long Xuyên và huyện Châu Phú. Ước thiệt hại 8,38 tỷ đồng, không có thiệt hại về người./.

CỤC THỐNG KÊ TỈNH AN GIANG


Các tin khác

4723e83c-0fbf-4d06-974f-b4bdaa36548c

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Về tình hình kinh tế - xã hội tỉnh An Giang 6 tháng năm 2022

nopic.jpg