Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Quan tâm bảo vệ an toàn trẻ em trên không gian mạng

31/05/2023 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Theo báo cáo của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 450.768 trẻ. Trong bối cảnh Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số, trẻ em đã trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ/ngày.

Với trẻ em, Internet là một kênh cung cấp kiến thức, giải trí quan trọng trước guồng quay 4.0 của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, không gian này lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ như: Tiếp cận thông tin giả, độc hại, nghiện mạng xã hội… Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều đối tượng lợi dụng tuyên truyền các nội dung xấu độc, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ và có thể dẫn đến tình trạng các em bị dụ dỗ và xâm hại. Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng; trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng sống an toàn trên môi trường mạng là vấn đề vô cùng cấp thiết hiện nay. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Tổ chức nhiều sân chơi cho trẻ em

Internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa rất khó lường

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới có hơn 2.5 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập Internet hàng ngày, cứ 03 người truy cập Internet thì có 01 trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng Internet, với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó tỷ lệ trẻ em chiếm 30% tổng số người dùng Internet, mạng xã hội. 

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, trẻ em tiếp cận internet từ rất nhiều cách khác nhau như: tiếp cận từ điện thoại di động của cá nhân (57,8%), máy tính ở nhà (45,9%), điện thoại di động của người thân (45,3%), ngoài quán internet (13,5%). Trẻ sử dụng internet chủ yếu để học hành/nghiên cứu (83,1%), xem phim/ca nhạc (71,5%), xem các chương trình giải trí/đọc tin tức (70,9%), giao lưu, kết nối bạn bè (71,2%) và chơi trò chơi điện tử/trực tuyến (58,7%).

Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTT&XH), trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp này. Có thể thấy, đây là những con số đáng báo động về vấn đề bảo vệ trẻ em trước những thông tin mạng độc hại hiện nay. Riêng tại tỉnh An Giang, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp. Từ năm 2020 đến nay đã xảy ra 72 vụ xâm hại trẻ em, liên quan 72 đối tượng; đã xử lý hình sự 55 vụ, liên quan 55 đối tượng. 
 

Tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ

…và các hoạt động trải nghiệm, trang bị kỹ năng giúp trẻ em giảm thời gian sử dụng internet

Các hình thức phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em ở Việt Nam nói chung và ở An Giang nói riêng thường gặp phải thời gian qua như: tiếp cận nhiều thông tin giả; dễ dàng bị bắt nạt trên mạng; nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân khi chơi các trò chơi trực tuyến; bị gạ gẫm về tình dục; rất dễ truy cập vào các trang thông tin xấu độc, nguy hại, bạo lực do đối tượng xấu gửi hoặc hiển thị trong các phần mềm trò chơi, xem phim dành cho trẻ em…Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc đảm bảo an toàn khi trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập mạng trong thời gian dài.

Nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng là do trẻ em chưa được trang bị đầy đủ nhận thức về nguy cơ tiềm tàng của Internet, về kỹ năng sống cũng như kiến thức về việc sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn; nhiều trẻ em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức; Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet; nhận thức và hiểu biết của cộng đồng nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng về vấn đề này còn nhiều hạn chế, dẫn tới chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối nguy cơ từ môi trường mạng. Công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa toàn diện, chưa chặt chẽ… 

Thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em

Để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại cho trẻ em trên không gian mạng, các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cần tiến hành đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả Luật Trẻ em, Luật An ninh an toàn, an ninh mạng, Luật an ninh mạng và các văn bản hướng dẫn đã đưa ra một số quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Hai là, tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, trong đó đi sâu vào nội dung hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa thông tin xấu độc, các giải pháp bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, đưa nội dung thông tin sai sự thật, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội nói chung và hành vi đăng hình ảnh, clip nhạy cảm và những video bạo lực học đường. 

Ba là, trang bị kiến thức cho các bậc phụ huynh để hiểu, quan tâm giáo dục, dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành một công dân có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, nhận biết các thông tin, video, clip độc hại, không phù hợp trên môi trường mạng; cần có biện pháp giám sát hiệu quả đối với việc sử dụng mạng xã hội của con. 

Bốn là, đối với gia đình không nên lập tài khoản cá nhân trên mạng xã hội cho trẻ em mà chỉ hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng Internet để tham khảo học tập, học hỏi kỹ năng sống. Trong quá trình sử dụng mạng xã hội, cần trang bị cho trẻ nhận thức, xác định rõ mục đích sử dụng thông tin và chỉ nên lựa chọn những nội dung phục vụ học tập, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, không để trẻ tò mò truy cập vào những trang mạng xã hội có nội dung xấu, tiêu cực. Thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư tình cảm của con em mình, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, hướng dẫn trẻ không kết bạn với những đối tượng lạ; không chia sẻ, đăng tải những thông tin thể hiện tâm trạng, cảm xúc nhất thời của mình, tránh tham gia bình luận,… đồng thời thông báo với cha mẹ, nhà trường và cơ quan chức năng khi thấy có dấu hiệu nguy hại.

Năm là, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục, nhất là bậc tiểu học, trung học cơ sở những quy định của Nhà nước về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phổ biến thực trạng về những tác động tích cực và tiêu cực của thế giới công nghệ số đối với trẻ em. Các trường học phải có kế hoạch định hướng cho giáo viên, học sinh cách khai thác, sử dụng mạng Internet an toàn. Đồng thời có những cách thức tuyên truyền cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em trong việc sử dụng Internet cho kỳ nghỉ hè sắp tới./.

Thành Lâm


Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

012b71e7-0b58-4bb0-8bb0-c61acc129c53

Quan tâm bảo vệ an toàn trẻ em trên không gian mạng

/wps/wcm/connect/3f688c36-e941-4a7b-87aa-44b3ba96fdb9/image019.jpg?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACE-3f688c36-e941-4a7b-87aa-44b3ba96fdb9-oxNgroq