Quang cảnh buổi tập huấn
Trong những năm gần đây, với chính sách mở cửa hội nhập quốc tế, các đối tượng buôn người thường lợi dụng tình hình kinh tế, mức độ an sinh xã hội chênh lệch giữa các quốc gia cũng như tình trạng mất cân bằng giới tính để thực hiện các hành vi dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân đến các vùng, quốc gia phát triển hơn với khát khao được “đổi đời”, tìm công việc được trả lương cao, hoặc kết hôn với người ngoại quốc, được đãi ngộ tốt, ...
Trưởng phòng Phòng Chống tệ nạn xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Văn Đạt, chia sẻ kinh nghiệm và thực tế tại buổi tập huấn
Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân đa số là phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số.... Họ bị lừa bán ra nước ngoài, bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa. Các nạn nhân bị mua bán có thể bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), là nạn nhân của tình trạng “kết hôn bất hợp pháp”, bị bóc lột lao động hoặc nạn nhân của tình trạng nuôi con nuôi bất hợp pháp... .
Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho toàn xã hội, nhất là đồng bào dân tộc; tăng cường cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm, biểu dương người tốt, việc tốt, các mô hình hay, phát huy hiệu quả, tạo các điều kiện cho quần chúng nhân dân tích cực, chủ động phòng ngừa, không để tội phạm lợi dụng hoạt động…
Tại buổi tập huấn, các đại biểu chia sẻ những bài học kinh nghiệm và thực hành tốt về công tác phối hợp liên ngành, các hoạt động hỗ trợ tại cộng đồng cũng như đề xuất phương hướng hợp tác nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người tại các địa phương./.
Trần Tùng