Mục đích là để nâng cao ý thức của mỗi cán bộ, công chức cấp xã trong việc phải thường xuyên tự nghiên cứu, học tập trao dồi kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn của bản thân; kiểm tra để kịp thời nắm bắt về năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong thực thi công vụ ở địa phương.
Việc kiểm tra, đánh giá phải được tổ chức một cách bài bản, nghiêm túc; nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo tính khoa học, việc kiểm tra, đánh giá phải đảm bảo tính khách quan, công bằng. Kết quả kiểm tra phải đánh giá đúng thực trạng về chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Căn cứ kết quả kiểm tra để tổng hợp, phân tích, đánh giá và tham mưu cấp có thẩm quyền những giải pháp, định hướng cụ thể trong công tác đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với vị trí việc làm.
Đối tượng kiểm tra, đánh giá, gồm: Cán bộ cấp xã là Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
Công chức cấp xã (trừ công an, quân sự cấp xã): Công chức Tư pháp - hộ tịch; Công chức Văn phòng - thống kê: (Công chức phụ trách công tác văn phòng, thống kê tổng hợp, lập kế hoạch; Công chức phụ trách công tác nội vụ).
Công chức Tài chính - kế toán: (Công chức phụ trách kế toán ngân sách; Công chức thực hiện nhiệm vụ về tài chính).
Chức danh Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã): (Công chức phụ trách thực hiện nhiệm vụ đất đai, tài nguyên, môi trường; Công chức phụ trách thực hiện nhiệm vụ xây dựng, đô thị, giao thông; Công chức phụ trách thực hiện nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về nông nghiệp).
Công chức Văn hóa - xã hội: (Công chức thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin truyền thông; Công chức thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội, y tế, giáo dục, gia đình và trẻ em).
Nội dung kiểm tra, đánh giá đối với cán bộ cấp xã về kiến thức chung: chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung; kiến thức chung về công tác quản lý hành chính Nhà nước, công tác đảng, đoàn thể, kinh tế, chính trị, xã hội.
Kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ: theo chức danh lãnh đạo và kỹ năng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ; Kỹ năng xử lý tình huống thực tế phát sinh trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Đối với công chức cấp xã về kiến thức chung: những kiến thức về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ và các kiến thức khác để đánh giá năng lực. Kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ theo từng chức danh công chức; Kỹ năng xử lý tình huống thực tế phát sinh trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Hình thức kiểm tra, đánh giá: Trả lời bảng hỏi với hình thức trắc nghiệm (gồm 60 câu hỏi), thời gian 90 phút: Thực hiện trực tiếp trên máy tính tại phòng thi. Bao gồm: Nhóm kiến thức chung 25 câu hỏi. Nhóm kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh 30 câu hỏi. Nhóm kiến thức xử lý tình huống 5 câu hỏi./.
Nguồn: Kế hoạch số 401/KH-UBND ngày 24/5/2023
Hải Nhu