Đối tượng gồm hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Mục tiêu là xây dựng mô hình xã NTM thông minh giúp tăng hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ của xã trên cơ sở hướng tới lợi ích của người dân làm trung tâm; sử dụng công nghệ phù hợp với trình độ phát triển của người dân kết hợp huy động nguồn lực địa phương, đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn lực tự nhiên, gắn với quy hoạch phát triển vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị. Đến cuối năm 2025, tỉnh An Giang có ít nhất 04 mô hình xã NTM thông minh.
Để đạt mục tiêu, An Giang đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 4G/5G, hạ tầng kết nối Internet, hạ tầng kết nối IoT,… đến cấp xã, ấp; triển khai các phần mềm ứng dụng, nền tảng số dùng chung với cấp huyện, cấp tỉnh.
Truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM thông minh trên các nền tảng số, infographic; tổ chức các hoạt động tọa đàm, diễn đàn chuyên đề về xây dựng NTM thông qua các sự kiện, Hội nghị, Hội thảo, Triển lãm…; giới thiệu các gương điển hình về xây dựng NTM thông minh, để người dân hiểu rõ được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số sẽ phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của mình.
Bên cạnh đó, phát động phong trào thi đua trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
An Giang cũng đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn phục vụ công tác xây dựng NTM thông minh; triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (thông qua hệ thống chatbot, tổ công nghệ số cộng đồng, …); triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, hướng dẫn người dân khai thác thông tin trên cổng thông tin điện tử cấp xã, các ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số.
Triển khai thí điểm mô hình mỗi cán bộ cấp xã, ấp là một công dân số tiêu biểu có kiến thức, năng lực, có trình độ về công nghệ thông tin; sử dụng thành thạo các ứng dụng kỹ thuật số trong quản lý và điều hành công việc.
Đồng thời triển khai thí điểm mô hình camera giám sát thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện, cảnh báo, dự báo phục vụ cho giám sát, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, các hoạt động xâm hại đến an ninh, quốc phòng…Thí điểm hệ thống ATM hỗ trợ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại xã.
Bên cạnh đó, cũng thí điểm mô hình thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động giao dịch, thương mại (ví dụ: mô hình “Chợ 4.0”, Chợ thanh toán không dùng tiền mặt, Tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt, …). Triển khai thí điểm mô hình trải nghiệm công nghệ số để đào tạo, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin cho người dân; Mô hình đào tạo STEM về công nghệ số (CNTT, Robotics, tự động hóa, ...) cho học sinh. Thí điểm mô hình dịch vụ thông minh theo thế mạnh của xã về lĩnh vực trọng yếu như Y tế, Giáo dục, Môi trường, Văn hóa, Du lịch, Nông nghiệp…/.
Nguồn: Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 25/5/2023
Hải Nhu