Chào mừng bạn đến với Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang
TỈNH AN GIANG
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

An Giang: Phát triển ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

03/11/2021 |

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Phát triển ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, đây là mục tiêu của “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa được UBND tỉnh An Giang ban hành.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm đẩy mạnh phát triển thủy sản từ chiều rộng sang chiều sâu với ứng dụng tiến bộ khoa học để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất thủy sản nội địa và xuất khẩu và tạo bước đột phá chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp - thủy sản đảm bảo hiệu quả, an sinh xã hội, tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho lao động ngành thủy sản tỉnh tương đương mức lao động bình quân chung cả nước.

Responsive image

An Giang phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc tại ấp Vĩnh Bường, Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu (Ảnh: Văn Phô)

Đến năm 2030, An Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 5% năm, tăng 2,2% so với năm 2020. Phát triển diện tích nuôi thủy sản 3.500 ha, trong đó diện tích nuôi cá tra xuất khẩu là 1.550 ha, diện tích nuôi tôm càng xanh là 1.500 ha, tổng thể tích nuôi cá lồng, bè là 1.057.000 m3, trong đó thể tích nuôi cá rô phi, điêu hồng là 350.000 m3. 

Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh An Giang đạt 621.180 tấn/năm, trong đó sản lượng sản cá tra là 482.755 tấn/năm, sản lượng tôm càng xanh là 1.500 tấn/năm, cá rô phi, điêu hồng là 34.000 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản nội địa duy trì mức 15.000 tấn/năm.

Đến năm 2030, An Giang sẽ thành lập ít nhất 2 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa cấp tỉnh và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận danh mục Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội địa kết hợp với phát triển du lịch; xây dựng ít nhất 3-5 cơ sở sản xuất giống thủy sản gồm: cá tra, tôm càng xanh toàn đực trên địa bàn tỉnh được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, để cung cấp con giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh.

Đến năm 2030, các vùng nuôi đối tượng chủ lực tại An Giang đều được đăng ký mã số nuôi trồng, và 80% được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, ASC, BAP…). Tỉnh cũng tập trung phát triển vùng nuôi thủy sản sinh thái, nuôi hữu cơ, nuôi lồng bè, nuôi kết hợp; phát triển nuôi trồng thủy sản thông qua hệ thống hồ trữ nước (hồ tự nhiên, hồ nhân tạo), ở vùng xâm nhập mặn mới hình thành do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích phát triển nuôi 1.000 ha....

Giai đoạn 2021-2030, tỉnh cũng tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng được trên 50% nhu cầu ở các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng, thực phẩm chức năng đạt trên 30% tổng nguyên liệu ngành chế biến thủy sản. 

Đến năm 2030, An Giang phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản thủy đạt 500 triệu USD, tăng gấp 2 lần giá trị kim ngạch so với năm 2020. Tiến tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm thủy sản đặc thù của tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập thương mại quốc tế.

Đến năm 2045, An Giang phát triển kinh tế ngành thủy sản nắm giữ vai trò trọng tâm trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số 4.0 trong hoạt động quản lý, hoạt động sản xuất thủy sản, hoạt động giao dịch thương mại điện tử. Tập trung phát triển sản phẩm chế biến sâu, tăng giá trị tỷ trọng ngành chế biến thủy sản, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, an sinh xã hội. Phấn đấu lao động ngành thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức thu nhập bình quân chung của cả nước. 

Đến năm 2045, An Giang tập trung phát triển các đề án, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng, vận chuyển, chế biến thủy sản góp phần tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản của tỉnh. Tỉnh cũng tập trung nghiên cứu công nghệ phát triển chế phẩm sinh học, sản phẩm nguồn gốc thảo dược thay thế dần việc sử dụng hóa chất kháng sinh trong phòng trị bệnh thủy sản, giảm thiểu mối nguy ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm thủy sản; nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch.

Để đạt được mục tiêu trên, An Giang sẽ tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống các loài thủy sản làm cơ sở cho hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ổn định, bền vững. Thực hiện lưu giữ giống gốc, nguồn gen một số loài thủy sản quý hiếm, nguy cấp, loài có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản đặc hữu của tỉnh.

Trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh tập trung phát triển cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nuôi trồng thủy sản chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế. Phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, để nâng cao năng suất, thân thiện môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Tỉnh An Giang khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ở các khu vực đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả, bị xâm nhập mặn, các khu vực có mặt nước lớn (hồ tự nhiên, hồ nhân tạo…) với các loài thủy sản nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phát triển các hình thức sản xuất nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất thủy sản.

Trong chế biến và tiêu thụ thủy sản, tỉnh tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản phải đảm bảo vai trò hạt nhân thúc đẩy sự phát triển trong toàn chuỗi sản xuất thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào ngành chế biến thủy sản toàn cầu. Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đầu tư, nâng cấp hệ thống các nhà máy chế biến thủy sản tạo bước đột phá trong phát triển ngành chế biến thủy sản.Tiếp tục phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh về sản lượng cũng như giá trị kim ngạch. Song song đó, tập trung phát triển mở rộng thị trường nội địa sản phẩm chế biến thủy sản phục vụ cho người tiêu dùng trong nước./.

Quang Minh

 


Các tin cùng chủ đề


Các tin khác

8616f3f8-22e1-4bfc-ba27-4e9282e2dd66

An Giang: Phát triển ngành thủy sản trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh

2021/11/03/ptngthsan.jpg