Xây dựng văn hóa, con người An Giang gắn với triển khai thực hiện các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới

(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Tỉnh An Giang có diện tích tự nhiên là 3.536 km²; dân số trên 1,9 triệu người (theo kết quả điều tra dân số năm 2019, đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 8 của cả nước). Là tỉnh đa dân tộc, tôn giáo (Với 04 dân tộc: chiếm đa số là Kinh, Hoa, Chăm, Khmer; toàn tỉnh có hơn 1,6 triệu tín đồ của 11 tôn giáo được công nhận và là nơi khởi nguồn của 03 tôn giáo nội sinh: Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) gắn với lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ đã hình thành những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng.

An Giang còn là nơi giàu truyền thống yêu nước cách mạng, là vùng đất địa linh, nhân kiệt; quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tấm gương sáng của Bác Tôn là hiện thân tiêu biểu cho tính cách, khí chất, phong thái và nét văn hóa đặc sắc của người Nam Bộ nói chung, của tỉnh An Giang nói riêng. Di sản quý giá mà Chủ tịch Tôn Ðức Thắng để lại cho nhân dân Việt Nam là phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản; là sự hào hiệp của người dân vùng sông nước Nam Bộ; là ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo; là sự cảm thông, hòa đồng với đồng bào, đồng chí; là niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng; dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng không nản chí, hết lòng phục vụ Nhân dân. 
 

Thời gian qua, An Giang đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, nhất là Việc phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ và được thực hiện nghiêm túc. Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức thực hiện chuyên đề: “Xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về những giá trị đạo đức cách mạng; phát huy vai trò nêu gương, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Việc phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học được tỉnh quan tâm thực hiện, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của Tỉnh dựa trên nguồn “tài nguyên” văn hóa dồi dào của cộng đồng các dân tộc ở An Giang với hệ thống 88 di tích được xếp hạng, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt là: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu Di tích khảo cổ Óc Eo- Ba Thê. Hiện nay, Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đang được Chính phủ giao cho tỉnh An Giang và các ban, bộ, ngành Trung ương lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới; đồng thời đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. 


 

Do địa phương có 04 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống nên đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào An Giang rất phong phú, đa dạng vừa có sự giao thoa về văn hóa nhưng cũng vừa bảo tồn được nét đặc sắc riêng có của mỗi dân tộc. Từ đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, giữ vững an ninh biên giới, lãnh thổ. Năm 2022, An Giang chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 22/11 hàng năm là Ngày truyền thống của Tỉnh, góp phần khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời to lớn của vùng đất Nam Bộ và Nhân dân An Giang trong tiến trình lịch sử.

Việc phát huy các giá trị gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh được Tỉnh triển khai hiệu quả gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến của toàn dân, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ (Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 94% tổng số hộ; 879 khóm, ấp văn hóa, đạt tỷ lệ 100%), 87 xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới, đạt tỷ lệ 75%, 27 phường, thị trấn văn minh đô thị, đạt tỷ lệ 72,97%; có 42 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 Đồn Biên phòng). Công tác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau được phát huy, trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân cư thông qua các hoạt động xã hội từ thiện, giúp đỡ sẻ chia những lúc khó khăn hoạn nạn, thiên tai; tự nguyện ủng hộ, đóng góp các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ “Vì người nghèo - xã hội từ thiện”, sửa chữa và cất nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết, mua xe cứu thương để chuyển bệnh nhân nghèo; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài trong cộng đồng ...

Để tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất, con người An Giang nhằm thực hiện tốt các Hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần quan tâm làm tốt các nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, triển khai thực hiện Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam gắn với xây dựng con người An Giang phát triển toàn diện về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan XHCN, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Xây dựng, phát huy và lan tỏa sâu rộng lẽ sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; chú trọng xây dựng yếu tố nghĩa tình “'tương thân, tương ái” giữa người thân trong gia đình, giữa hàng xóm, láng giềng, giữa đồng chí, đồng nghiệp; mọi người tự giác hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các phong trào “người tốt, việc tốt” để biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến song song với đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu. 

Thứ hai, triển khai thực hiện Hệ giá trị gia đình là mục tiêu hướng đến gắn với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình; có chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; góp phần vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. 

Thứ ba, triển khai thực hiện Hệ giá trị văn hóa gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ. Trọng tâm là xây dựng con người có nhân cách văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc và sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện đổi mới giáo dục để rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Tiếp tục nâng cao hình ảnh quê hương và con người An Giang thông qua đẩy mạnh giới thiệu, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương. Khơi dậy truyền thống văn hóa của con người An Giang: “Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Thứ tư, triển khai thực hiện Hệ giá trị quốc gia là mục tiêu cao cả hướng tới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh một cách bền vững, đặt trong sự tương tác với các vùng, miền cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm tương đồng để tăng cường phối hợp và liên kết trên tất cả các lĩnh vực nhằm phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc và 191 năm tỉnh An Giang được thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh và mang bản sắc văn hóa miền sông nước, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng./.

Thái Thuý Xuân