Kênh Vĩnh Tế được đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thuộc phường Vĩnh Nguơn (thành phố Châu Đốc, An Giang) thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, đã tạo ra một hệ thống thủy lợi thượng nguồn quan trọng cho vùng Tứ giác Long Xuyên, góp phần khai phá, cải tạo và phát triển vùng đất này. Đến hiện tại, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thuỷ, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của Nhân dân Việt.

Kênh Vĩnh Tế được xem là “kênh mẹ” để hình thành các kênh T5, T4, T3, các kênh này có đầu nguồn bắt đầu từ kênh Vĩnh Tế, tạo thành một mạng lưới thủy lợi dày đặc đưa nước ngọt từ sông Hậu vào sâu trong vùng Tứ giác Long Xuyên, hệ thống này giúp phân phối nước một cách đồng đều, cải thiện hệ thống thoát nước (thoát lũ), cung cấp nước tưới tiêu ổn định, giúp rửa phèn, dẫn phù sa cải tạo đất, tăng cường độ phì nhiêu cho đất, cải thiện điều kiện canh tác làm cho cây lúa sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, sản xuất từ 1 vụ sang 2 vụ ăn chắc và đang tiến lên 3 vụ. Việc đầu tư bài bản, đồng bộ với các công trình thủy lợi lớn trong suốt thời gian dài, đã biến Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực của Đồng bằng sông Cửu Long và vươn mình là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước.
Song song đó với sự cộng hưởng các giá trị đưa dòng kênh Vĩnh Tế trở thành hành trình du lịch mang tính chất cảnh quan sinh thái, lịch sử - văn hóa, trên bộ - dưới thuyền làm đa dạng hóa các loại hình du lịch địa phương phục vụ du khách trong giai đoạn mới. Tập trung khai thác các hoạt động du lịch trên kênh Vĩnh Tế có thể bao gồm tham quan bằng thuyền, khám phá cảnh quan thiên nhiên và cuộc sống ven sông, tìm hiểu văn hóa, lịch sử vùng đất và con người, trải nghiệm đời sống thương hồ và đặc trưng mùa nước nổi. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như xây dựng bến tàu, cầu, đường để phục vụ du lịch. Tổ chức các sự kiện và hoạt động du lịch như hội chợ, triển lãm và các hoạt động vui chơi giải trí gắn liền với kênh Vĩnh Tế để thu hút khách du lịch. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản dọc kênh Vĩnh Tế tạo điểm đến hấp dẫn du khách.

Qua 200 năm lịch sử cho đến nay, kênh Vĩnh Tế được ghi nhận là kênh đào thủ công quý giá của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc, khẳng định chủ quyền bờ cõi và làm nên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long trù phú. Kênh Vĩnh Tế còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, việc xây dựng kênh Vĩnh Tế là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và đồng lòng của hàng ngàn người dân, đây chính là nét đẹp văn hóa của con dân nước Việt. Bên cạnh đó, với những khó khăn, vất vả do điều kiện thiên nhiên và vật chất gắn liền với những câu chuyện, truyền thuyết dân gian khi đào kênh tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú. Đồng thời, đây được xem là một minh chứng hữu hiệu cho việc giáo dục giúp thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống của cha ông ta để lại.
Trích “Đề cương tuyên truyền Lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) và tưởng niệm 198 năm Ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 - 2024)”
Nguồn: tuyengiaoangiang.vn