(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 27-12, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng tại Hội nghị Sơ kết 01 năm thực hiện chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án) trên địa bàn tỉnh An Giang được tổ chức vào ngày 17/12/2024.
Theo thông báo, tỉnh An Giang xác định việc sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải và đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới; do đó, yêu cầu Sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố cần linh hoạt, sáng tạo, năng động để triển khai thực hiện Đề án tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, nông dân, thương lái và doanh nghiệp về mục tiêu, ý nghĩa và hiệu quả của Đề án, trong đó tập trung tuyên truyền thông qua việc thực hiện các mô hình sản xuất lúa đối chứng có hiệu quả để nông dân biết và tích cực tham gia Đề án. Ngoài ra, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu tổ chức chương trình để Lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống đồng ruộng nhằm mục đích tuyên truyền, khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thi đua phát triển nông nghiệp và tích cực tham gia Đề án; đồng thời, giao UBND cấp huyện chủ động tổ chức các chương trình để Lãnh đạo huyện xuống đồng nhằm động viên nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tích cực tham gia Đề án.
Về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 703/QĐ-UBND ngày 02/5/2024, Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố tích cực đăng ký diện tích lúa tham gia Đề án (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đảm bảo vượt 152 ngàn ha đã đăng ký tham gia đến năm 2030. Để thực hiện tốt nội dung này, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố tích cực rà soát diện tích lúa tham gia Đề án theo hướng: khu vực nào dễ, thuận lợi thì làm trước, khu vực nào khó thực hiện thì tiếp tục tìm các giải pháp để triển khai, nhằm đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra; đồng thời, chủ động tổ chức các Hội nghị gặp gỡ nông dân và doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Đề án.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về tiến độ thực hiện Đề án theo tháng, quý để UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng, mắc trong triển khai Đề án tại các địa phương.
Tiếp tục quan tâm công tác đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi nhằm phục vụ tốt việc triển khai Đề án tại các địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng thủy lợi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai Đề án tại địa phương.
Về xây dựng thương hiệu gạo cho An Giang: Nhằm đáp ứng xu thế về tiêu dùng gạo chất lượng cao, giảm phát thải thấp, nhất là đáp ứng nhu cầu nhập khẩu gạo tại thị trường Châu Âu; UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo xúc tiến xây dựng thương hiệu gạo An Giang giảm phát thải gắn với việc kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp doanh nghiệp quan tâm việc xây dựng thương hiệu gạo tỉnh An Giang theo hướng giảm phát thải thấp thì chủ động đăng ký với UBND tỉnh hoặc trao đổi trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc họp để thảo luận về cách tiếp cận các nguồn vốn vay cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án, trong đó trọng tâm là các hợp tác xã nông nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần tham gia Đề án tiếp cận nguồn vốn vay một cách tốt nhất./.
Nguồn: Thông báo số 416 /TB-VPUBND ngày 27/12/2024
Hải Nhu