(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Với bề dày 76 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành (1948 - 2024), Trường Chính trị Tôn Đức Thắng trải qua chặng đường đầy gian lao, thử thách, nhưng rất đỗi tự hào, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân giao phó. Với những thành quả đạt được, ngày 06/9/2024, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng vinh dự được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn mức 1. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một trang mới trên con đường phát triển của Trường.
Lịch sử vẻ vang
Cách đây 76 năm, sau khi ổn định hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng, giữa năm 1948, Tỉnh ủy Long Châu Hậu quyết định thành lập Trường Văn - Chánh. Đồng chí Nguyễn Đức Thân - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo Trường. Đây là một trong những Trường Đảng ra đời sớm nhất cả nước. Khóa học đầu tiên khai giảng tại Nam Thái Sơn lấy tên là "Lê Triệu Kiết" với trên 60 học viên tham dự, thời gian học 02 tháng. Giữa năm 1948, ở Long Châu Tiền cũng mở một khóa học lấy tên là "Khóa Mác xít Lê Văn Nhung" với khoảng 50 học viên, thời gian học 03 tháng.
Từ khi thành lập đến nay, Trường đã qua 8 lần đổi tên và mỗi tên gọi đều gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn; thể hiện vị trí, vai trò, ý nghĩa, sự đóng góp của Trường vào thành tựu phát triển của Tỉnh. Đầu tiên là Trường Văn - Chánh tỉnh Long Châu Hậu (1948), sau đó lần lượt đổi thành Trường Đảng Phan Đăng Lưu tỉnh Long Châu Hà (1950), Trường Đảng tỉnh An Giang (1958), Trường Trần Phú tỉnh An Giang (1961), Trường Đảng tỉnh Long Châu Hà (1974), Trường Chánh trị tỉnh An Giang (1976), Trường Đảng tỉnh An Giang (1980), Trường Đảng Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang (1985) và từ năm 1995 đến nay là Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tỉnh An Giang.
Trong lịch sử 76 năm xây dựng và phát triển, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đã qua chặng đường đầy gian lao, thử thách, phải đối mặt với bom đạn, hiểm nguy, thiếu thốn mọi bề trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, những khó khăn trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và những thách thức trong quá trình đổi mới; nhưng với tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, bản lĩnh kiên cường, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành trọng trách "huấn luyện cán bộ - công việc gốc của Đảng", góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của địa phương.
Mốc son phát triển
Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, xứng tầm với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 24/10/2014 về "Nâng cao chất lượng hoạt động Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030".
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án, được sự quan tâm lãnh đạo toàn diện, sâu sắc, kịp thời của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương, đa số các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đến năm 2020 cơ bản hoàn thành. Chất lượng hoạt động của Trường có nhiều chuyển biến tích cực, sâu sắc và toàn diện; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bước phát triển mới.
Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về Trường Chính trị chuẩn. Chủ trương này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng ta đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; góp phần chuẩn hóa, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của Trường Chính trị, thực hiện tốt "công việc gốc của Đảng" là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 22/12/2021 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, Trường đạt chuẩn mức 1.
Sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án, dưới sự định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy; sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương; sự đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của cán bộ, giảng viên, Trường đã đạt 6/6 tiêu chí, 55/55 chỉ tiêu chuẩn mức 1, trong đó 10 chỉ tiêu vượt chuẩn mức 1, hoàn thành mục tiêu sớm hơn 02 năm so với lộ trình đề ra.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng vinh dự là Trường Chính trị đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn mức 1. Đây là vinh dự to lớn và là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, giảng viên, người lao động; đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử vẻ vang 76 năm xây dựng và phát triển của Trường.
Tiếp nối tương lai
Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra nhiệm vụ: "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ". Để hoàn thành mục tiêu quan trọng này, nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.
Tự hào và phát huy kết quả đạt được, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác cán bộ của tỉnh trong tình hình mới, đòi hỏi Trường Chính trị Tôn Đức Thắng tiếp tục nỗ lực phấn đấu duy trì và nâng chất các tiêu chí chuẩn mức 1 và có kế hoạch xây dựng Trường đạt tiêu chí chuẩn mức 2 với lộ trình khoa học, khả thi, phù hợp điều kiện thực tế địa phương.
Giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa Trường chính trị của Đảng; quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; kiên quyết khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị và những biểu hiện lệch lạc trong giảng dạy, học tập, quản lý. Đặc biệt chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, gương mẫu về đạo đức, có trình độ cao về chuyên môn, có vốn sống thực tế, bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy khoa học, năng lực sáng tạo, là tấm gương mẫu mực để học viên học tập, noi theo. Giữ vững sự tôn nghiêm, mô phạm và đạo đức nghề nghiệp trong môi trường giáo dục của Đảng. Góp phần xây dựng: Trường học thân thiện, học viên tích cực, giảng viên mẫu mực.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận chính trị và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; cả phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và tác phong, phương pháp công tác, lề lối làm việc; gắn việc học tập kiến thức lý luận với năng lực thực hành, nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên.
Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn theo hướng thiết thực, hiệu quả và có tính ứng dụng cao. Mở rộng, tăng cường hợp tác với các sở, ban, ngành, địa phương, các trường, học viện trong công tác nghiên cứu khoa học; chủ động chuyển giao các kết quả nghiên cứu để phục vụ giảng dạy, học tập và công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý. Tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ tốt công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, nhất là người đứng đầu về vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phải xác định đây là công việc gốc của Đảng.
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng đạt chuẩn mức 1 là niềm vui chung của tỉnh An Giang, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc son mới trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Kết quả đạt được không chỉ là niềm vinh dự, tự hào về những giá trị, truyền thống mà còn là tiền đề, điều kiện để Trường ngày càng phát triển toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, xứng đáng là Trường mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến:
“Trường khơi lý luận An Giang
Chính danh ghi nhận bảng vàng tiên phong
Trị an ước vọng hằng mong
Tôn vinh lãnh tụ hết lòng dấn thân
Đức nhân trí tuệ bao lần
Thắng gian khổ, dựng cơ đồ hiển vinh”.
Hoàng Kỳ *
_____________
(*) TS Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang.