(Cổng TTĐT tỉnh AG)- Ngày 04-4, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các Chương trình, Kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực hợp pháp trên địa bàn để xử lý dứt điểm các ổ dịch mới xuất hiện (nếu có), tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; chủ động công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm; không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Đồng thời tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi; đồng thời rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung đối với đàn vật nuôi mới phát sinh hoặc đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi hiện có được tiêm phòng; Phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh trên động vật tại địa phương năm 2025 theo quy định để tổ chức triển khai kịp thời hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng cho đàn vật nuôi; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh; chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật tại các địa phương; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Phối hợp với các địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.
Thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh động vật đã được phê duyệt. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật không đúng quy định.
Sở Y tế chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép động vật, sản phẩm động vật trên tuyến biên giới; tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của dịch bệnh động vật và tác hại khi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp thẩm quyền về nguồn kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh theo quy định về phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Theo Công văn này, các sở, ban, ngành có liên quan (theo chức năng, nhiệm vụ được giao) chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp với ngành Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về tình hình dịch bệnh, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, thú y./.
Nguồn: Công văn số 477/UBND-KTĐT ngày 4/4/2025
Hải Nhu