Tọa đàm “Phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh” năm 2024

Sáng 18/10, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh” năm 2024, tại Hội trường Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Đại biểu tham dự Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến; cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Đề án 939 cấp tỉnh; đại diện các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nữ doanh nhân tỉnh; Doanh nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp,...; cùng đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tại buổi Tọa đàmcác đại biểu được các diễn giả chia sẻ về những định hướng trong hỗ trợ khởi nghiệp chuyển đổi xanh, bền vững và giải đáp những ý kiến xoay quanh các nội dung về: chính sách hỗ trợ cho áp dụng khoa học công nghệ mới vào mô hình khởi nghiệp; đề xuất những lĩnh vực cụ thể mà phụ nữ nên tập trung khởi nghiệp và chuyển đổi xanh; thách thức khi khởi nghiệp và chuyển đổi xanh; định hướng hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.

Tọa đàm về chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh”

Tọa đàm với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về kinh tế xanh, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm, cải thiện quy trình sản xuất, dịch vụ mới, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất hữu cơ, sạch, tuần hoàn, thân thiện với môi trường... tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho cộng đồng.

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang Nguyễn Thị Quyến mong muốn qua buổi Tạo đàm nhằm khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững; áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, thay đổi quy trình sản xuất và giảm thiểu chất thải; kinh doanh sản phẩm dịch vụ mới sử dụng nguồn năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thân thiện với môi trường… từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm tiêu biểu, đạt chuẩn OCOP, góp phần phát triển  kinh tế - xã hội tại địa phương./.

HA - TC